Khí hậu Tuyên Quang, vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên tỉnh Tuyên Quang

Người đăng: Mỹ Linh

Vị trí địa lý, địa hình, tài nguyên, thiên nhiên, lịch sử văn hoá và con người đã tạo cho Tuyên Quang tiềm năng phát triển du lịch đa dạng, phong phú và hấp dẫn. Vậy hãy cùng Dubaothoitiet tìm hiểu kỹ hơn về Khí hậu Tuyên Quang và các điều kiện tự nhiên của Tuyên Quang qua bài viết này nhé!

MỤC LỤC

 

Vị trí địa lý

Tuyên Quang là một tỉnh miền núi phía Bắc, nằm giữa Đông Bắc và Tây Bắc của Việt Nam cách thủ đô Hà Nội 165km, có toạ độ địa lý 21o30’ - 22o40’ vĩ độ Bắc và 103o50’ - 105040’ kinh độ Đông.

- Phía Đông giáp tỉnh Bắc Kạn và Thái Nguyên.

- Phía Bắc giáp tỉnh Hà Giang, Cao Bằng.

- Phía Tây giáp tỉnh Yên Bái và phía Nam giáp tỉnh Vĩnh Phúc, tỉnh Phú Thọ.

Bản đồ hành chính Tuyên Quang gồm 1 thị xã và 6 huyện: Thị xã Tuyên Quang, huyện Chiêm Hóa, huyện Hàm Yên, huyện Lâm Bình, huyện Nà Hang, huyện Sơn Dương và huyện Yên Sơn. 

Điều kiện tự nhiên

Đặc điểm địa hình

Địa hình của tỉnh khá phức tạp, chia cắt mạnh do có nhiều dãy núi cao và sông suối. Địa hình thấp dần xuống phía Nam, ít bị chia cắt hơn, nhiều đồi núi và thung lũng chạy dọc theo các con sông. Có thể chia địa hình Tuyên Quang thành 3 vùng:

  • Vùng núi phía Bắc gồm các huyện Na Hang, Chiêm Hoá, Hàm Yên và một phần phía Bắc huyện Yên Sơn, độ cao phổ biến ở dạng địa hình này là 200 – 600m và sẽ giảm dần xuống phía Nam, độ dốc trung bình 250

  • Vùng đồi núi giữa tỉnh gồm phần phía Nam huyện Yên Sơn, thị xã Tuyên Quang và phần phía Bắc huyện Sơn Dương, độ cao trung bình dưới 500m và hướng thấp dần từ Bắc xuống Nam, độ dốc thấp dần dưới 250

  • Vùng đồi núi phía Nam tỉnh gồm phần phía Nam huyện Sơn Dương mang đặc điểm địa hình trung du.

Tài nguyên thiên nhiên

Tài nguyên đất: Do khí hậu của tỉnh nóng ẩm, mưa nhiều nên lớp vỏ phong hoá của đất tương đối dày, cộng với thảm thực vật có tác dụng bảo vệ mặt đất nên sự thoái hoá của đất ở mức độ rất nhẹ. Đất Tuyên Quang có các nhóm chính: 

  • Đất đỏ vàng trên đá sét và đá biến chất, diện tích 389.834ha, chiếm 67,2% diện tích tự nhiên.

  • Đất đỏ vàng trên đá macma, diện tích 24.168ha, chiếm 4,17%.

  • Đất vàng đỏ trên đá biến chất, diện tích 22.602ha, chiếm 3,89%.

  • Đất vàng nhạt trên đá cát, có diện tích 66.986ha, chiếm 11,55%.

  • Đất phù sa ven suối, diện tích 9.621ha, chiếm 1,66%.

  • Đất dốc tụ - thung lũng, diện tích 8.002ha, chiếm 1,38%.

Ngoài ra còn có một số loại đất khác chiếm diện tích nhỏ: đất nâu vàng, đất mùn vàng nhạt, đất nâu đỏ, đất phù sa không được bồi đắp… Tài nguyên đất của Tuyên Quang rất phong phú về chủng loại, chất lượng tương đối tốt, đặc biệt là các huyện phía nam, thích ứng với nhiều loại cây trồng.

Tài nguyên rừng: Tổng diện tích rừng Tuyên Quang là 357.354ha, trong đó rừng tự nhiên chiếm 287.606ha và rừng trồng là 69.737ha. Độ che phủ của rừng đạt trên 51%. Trong đó, rừng phòng hộ 213.849ha, chiếm 74,4% diện tích rừng hiện có. Rừng đặc dụng 44.840ha, chiếm 15,6%, còn lại là rừng sản xuất 28.917ha, chiếm 10,05%.

Tuyên Quang có 02 khu bảo tồn thiên nhiên: Khu bảo tồn thiên nhiên Tát Kẻ - Bản Bung thuộc huyện Na Hang và khu Cham Chu thuộc huyện Hàm Yên.

Tài nguyên khoáng sản: Tuyên Quang có khá nhiều loại khoáng sản nhưng phần lớn đều có quy mô nhỏ, phân tán nên khá khó khăn trong việc khai thác.

- Barit: Tuyên Quang đã phát hiện được 24 điểm có barit thuộc các huyện Sơn Dương, Yên Sơn và Chiêm Hoá, trữ lượng trên 2 triệu tấn.

- Mangan: Tập trung chủ yếu ở các huyện Chiêm Hoá và một số điểm ở huyện Na Hang. Hiện có 2 điểm ở huyện Chiêm Hoá đã thăm dò với trữ lượng khoảng 3,2 triệu tấn.

- Ðất sét: Ðất sét được tìm thấy ở nhiều nơi trên thị xã Tuyên Quang, trong đó đáng chú ý nhất mỏ sét bên cạnh mỏ đá vôi Tràng Ðà được dùng để sản xuất xi măng.

Ngoài ra, Tuyên Quang còn nhiều khoáng sản như ăngtoan, đá vôi, vonfram, pirit, kẽm, cao lanh, sét chịu lửa, nước khoáng, vàng, cát, sỏi ... đang được khai thác với quy mô nhỏ

Đặc điểm khí hậu

Thời tiết Tuyên Quang mang đặc điểm của khí hậu nhiệt đới gió mùa, chịu ảnh hưởng của lục địa Bắc Á Trung Hoa, một năm có 4 mùa đặc trưng của khí hậu miền Bắc, mùa xuân mát mẻ,  mùa hè nóng ẩm và mưa nhiều, mùa thu nắng nhẹ, mùa đông lạnh và khô hạn. 

Mưa bão tập trung từ tháng 5 đến tháng 8 và thường gây ra lũ lụt, lũ quét kèm theo nhiều hiện tượng như mưa đá, gió lốc. Lượng mưa trung bình hàng năm của tỉnh đạt từ 1.500 - 1.700mm. 

Nhiệt độ trung bình hàng năm đạt 22 - 240C. Nhiệt độ trung bình cao nhất là 33 - 350C, thấp nhất là 12 - 130C. Tháng lạnh nhất (có nhiệt độ thấp nhất) là tháng 11 và 12 (âm lịch) thường kèm theo hiện tượng sương muối.

Độ ẩm bình quân năm là 85%. 

Tiềm năng phát triển của tỉnh Tuyên Quang 

Tuyên Quang có diện tích đất nông lâm nghiệp lớn, đất đai màu mỡ, tưới tiêu tự chảy, cùng với khí hậu thuận lợi cho phát triển nông lâm nghiệp.

Vị trí địa lý, địa hình, tài nguyên, thiên nhiên, lịch sử văn hoá và con người đã mang lại cho Tuyên Quang tiềm năng phát triển du lịch đa dạng, phong phú và hấp dẫn, đáp ứng được nhiều loại hình du lịch. Với nguồn tài nguyên quý giá nước khoáng Mỹ Lâm nổi tiếng là cơ sở để phát triển loại hình du lịch nghỉ dưỡng. Diện tích rừng cùng với vẻ đẹp thiên nhiên miền núi cũng tạo tiềm năng lớn để tỉnh phát triển du lịch sinh thái.

Tuyên Quang có nguồn nhân lực khá dồi dào, có xu hướng tăng dần qua các năm và đang ở giai đoạn phát triển cao trong độ tuổi lao động. Tỷ lệ lao động tuổi từ 15-60 chiếm 64,3% tổng dân số, đa số lao động đều cần cù, năng động, có ý thức cầu tiến. Tỷ lệ lao động qua đào tạo năm 2014, chiếm 39,3%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 23,20%. Chính vì vậy, tạo cho tỉnh có nhiều lợi thế trong thu hút đầu tư, cũng như quá trình công nghiệp hoá, chuyển dịch cơ cấu ngành và phát triển kinh tế - xã hội.

Hy vọng, qua bài viết này Dubaothoitiet đã cung cấp những thông tin hữu ích về khí hậu Tuyên Quang và những đặc điểm tự nhiên của mảnh đất đầy tiềm năng này. Hãy theo dõi chúng tôi để cập nhật những thông tin hữu ích về thời tiết và nhiều điều thú vị nhé!

Bài viết cùng chủ đề