Tìm hiểu về Khí hậu Phú Thọ - vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên của tỉnh Phú Thọ

Người đăng: Mỹ Linh

Dù ai đi ngược về xuôi

Nhớ ngày giỗ Tổ mùng mười tháng ba. 

Từ bao đời nay, câu ca ấy vẫn luôn ghi sâu trong tâm thức mỗi người dân. Hàng năm, cứ đến ngày 10/3, tất cả con cháu Việt Nam lại đổ xô về vùng đất Phú Thọ, đi tới Đền Hùng để bày tỏ lòng biết ơn. Vậy, bạn đã biết những gì về vùng đất này? Hãy cùng Dubaothoitiet tìm hiểu về khí hậu Phú Thọ, cũng như những điều kiện tự nhiên của tỉnh thành này nhé!

Vị trí địa lý

Phú Thọ là tỉnh thuộc vùng miền núi trung du Bắc Bộ, có tọa độ địa lý từ 200o55’ đến 210o43’ vĩ độ Bắc, 1040o48’ đến 1050o27’ kinh độ Đông.

- Phía Đông giáp Hà Nội

- Phía Đông Bắc giáp Vĩnh Phúc

- Phía Tây giáp Sơn La

- Phía Tây Bắc giáp Yên Bái

- Phía Nam giáp Hoà Bình

- Phía Bắc giáp Tuyên Quang. 

Phú Thọ nằm ở trung tâm các hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt và đường sông từ các tỉnh thuộc Tây - Đông - Bắc đi Hà Nội, Hải Phòng và các nơi khác. Là cầu nối giao lưu kinh tế - văn hoá - khoa học kỹ thuật giữa các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ với các tỉnh miền núi Tây Bắc.

Sau khi thực hiện quy hoạch các đơn vị hành chính cấp huyện giai đoạn 2006 - 2010, tỉnh Phú Thọ có 13 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm: 01 thành phố đô thị loại II (thành phố Việt Trì). 01 thị xã là đô thị loại III (thị xã Phú Thọ). 11 huyện (huyện Hạ Hòa, Đoan Hùng, Thanh Ba, Phù Ninh, Lâm Thao, Tam Nông, Thanh Thủy, Cẩm Khê, Yên Lập, Thanh Sơn, Tân Sơn).

Điều kiện tự nhiên

Đặc điểm địa hình

Đặc điểm địa hình Phú Thọ bị chia cắt, được chia thành tiểu vùng chủ yếu:

+ Tiểu vùng núi cao phía Tây và phía Nam, tuy gặp một số khó khăn về việc đi lại, giao lưu song ở vùng này lại có nhiều điều kiện thuận lợi phát triển lâm nghiệp, khai thác khoáng sản và phát triển kinh tế trang trại. 

+ Tiểu vùng gò, đồi thấp bị chia cắt nhiều, xen kẽ là đồng ruộng và dải đồng bằng ven sông Hồng, Hữu Lô, Tả Đáy. Vùng này có tiềm năng trồng các loại cây công nghiệp và phát triển cây lương thực và chăn nuôi.

Tài nguyên đất

Tổng diện tích tự nhiên của Phú Thọ là 3.519,56 km². Theo kết quả điều tra thổ nhưỡng đất đai của Phú Thọ được chia theo các nhóm sau: Đất feralit đỏ vàng phát triển trên phiến thạch sét, diện tích 116.266,27 ha chiếm tới 66,79% (tổng diện tích đất tự nhiên). Đất thường có độ cao trên 100m, độ dốc lớn, nhiều mùn. Loại đất này thường sử dụng trồng rừng, một số nơi độ dốc dưới 25° có thể sử dụng trồng cây công nghiệp.

Hiện nay, Phú Thọ mới sử dụng được khoảng 54,8% tiềm năng đất nông – lâm nghiệp. Đất chưa sử dụng còn 81,2 nghìn ha, trong đó diện tích đất đồi núi có 57,86 nghìn ha.

Đất đai của tỉnh có thể trồng cây nguyên liệu phục vụ cho ngành công nghiệp chế biến, nếu có vốn đầu tư và tổ chức sản xuất có thể tăng năng suất ở nhiều nơi đồng thời bảo vệ và làm giàu thêm vốn tài nguyên này cho phép phát triển công nghiệp và đô thị.

Tài nguyên rừng

So với những tỉnh thành khác, diện tích rừng hiện nay của Phú Thọ được xếp vào những tỉnh có độ che phủ rừng lớn (42% diện tích tự nhiên). Với diện tích rừng hiện có 144.256 ha, trong đó có 69.547 ha rừng tự nhiên, 74.704 ha rừng trồng, hàng năm Phú Thọ cung cấp hàng vạn tấn gỗ cho công nghiệp chế biến. Các loại cây chủ yếu như bạch đàn, mỡ, keo, bồ đề và một số loài cây bản địa đang trong phát triển.

Tài nguyên khoáng sản

Phú Thọ không phải là tỉnh giàu tài nguyên khoáng sản, nhưng lại có một số loại có giá trị kinh tế như đá xây dựng, cao lanh, fenspat, nước khoáng. Cao lanh có tổng trữ lượng khoảng 30 triệu tấn, điều kiện khai thác thuận lợi, trữ lượng chưa khai thác lên đến 24,7 triệu tấn. Fenspat có tổng trữ lượng khoảng 5 triệu tấn, điều kiện khai thác thuận lợi, trữ lượng chưa khai thác còn khoảng 3,9 triệu tấn, nước khoáng có tổng trữ lượng khoảng 48 triệu lít, điều kiện khai thác thuận lợi, trữ lượng chưa khai thác còn khoảng 46 triệu lít.

Ngoài ra, Phú Thọ còn có một số loại khoáng sản khác như: quac tít trữ lượng khoảng 10 triệu tấn, đá vôi 1 tỷ tấn, pirit trữ lượng khoảng 1 triệu tấn, tantalum trữ lượng khoảng 0,1 triệu tấn, và nhiều cát sỏi với điều kiện khai thác hết sức thuận lợi.

Đặc điểm khí hậu

Thời tiết Phú Thọ nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, điểm nổi bật là mùa đông khô, lượng mưa ít, hướng gió thịnh hành là gió mùa Đông Bắc. Mùa hè nắng, nóng, mưa nhiều, hướng gió thịnh hành là gió mùa Đông Nam. 

- Nhiệt độ bình quân 23oC.

- Tổng lượng mưa trung bình từ 1.600 - 1.800mm/năm.

- Độ ẩm không khí trung bình hàng năm 85 - 87%.

Nhìn chung, khí hậu Phú Thọ phù hợp cho sinh trưởng và phát triển đa dạng hóa các loại cây trồng nông nghiệp, lâm nghiệp và chăn nuôi gia súc.

Lễ hội và địa danh văn hóa

Phú Thọ có nền văn hoá rực rỡ từ lâu đời. Những di chỉ khảo cổ văn hoá Sơn Vi, Đồng Đậu, Làng Cả và nhiều đình, chùa, lăng, tẩm còn lại quanh vùng núi Nghĩa Lĩnh cho thấy đất Phong Châu là một trung tâm văn hoá của dân tộc Việt. Di tích lịch sử quan trọng là đền quốc mẫu Âu Cơ, khu di tích đền Hùng.

Đây là vùng đất có nhiều lễ hội, đáng kể nhất là lễ hội Giỗ tổ Hùng Vương (mùng 10 tháng Ba âm lịch). Lễ hội đền Hùng tổ chức tại Đền Hùng ngày 10 tháng Ba âm lịch, hiện đã được nâng lên thành quốc giỗ.

Như vậy, Dubaothoitiet đã cung cấp thông tin về tỉnh Phú Thọ, khí hậu Phú Thọ và những điều kiện tự nhiên của tỉnh. Hy vọng, qua bài viết sẽ giúp nhiều bạn đọc có được những thông tin cần thiết.
 

Bài viết cùng chủ đề