Khí hậu tỉnh Bình Định? Vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên của Bình Định

Người đăng: Nguyễn Kim

Bình Định là một tỉnh thuộc vùng duyên hải Nam Trung Bộ Việt Nam, ngôi làng chài ven biển này được ví như hòn ngọc bí ẩn chưa được nhiều du khách quốc tế biết đến. Là tỉnh có nền văn hóa lâu đời, nơi đây vẫn còn lưu giữ nhiều di tích kiến trúc văn hóa của người Chăm với những nét hoang sơ và mộc mạc. Ngoài vẻ đẹp lãng mạn, hấp dẫn giao hòa của trời và đất, của núi và biển vừa bình yên vừa hùng vĩ với sự đậm đà bản sắc văn hóa truyền thống, nơi đây còn rất nhiều điều thú vị để khám phá. Bài viết hôm nay hãy cùng Dự báo thời tiết tìm hiểu về khí hậu, vị trí địa, điều kiện tự nhiên và khám phá về những nét văn hóa của đất võ Bình Định nhé!

Tỉnh Bình Định

MỤC LỤC
 

Vị trí địa lý của tỉnh Bình Định

Bình Định là tỉnh thuộc vùng duyên hải Nam Trung bộ Việt Nam, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung với tổng diện tích tự nhiên là 6.025km2. Phía bắc giáp tỉnh Quảng Ngãi, phía nam giáp tỉnh Phú Yên, phía tây giáp tỉnh Gia Lai, phía đông giáp biển Ðông với 134km đường bờ biển.

Vị trí địa lý của tỉnh Bình Định

Bình Định gồm 1 thành phố tỉnh lỵ Quy Nhơn, 1 thị xã (An Nhơn) và 9 huyện (An Lão, Hoài Ân, Hoài Nhơn, Phú Cát, Phù Mỹ, Tuy Phước, Tây Sơn, Vân Canh, Vĩnh Thạnh). Thành phố Quy Nhơn là đô thị loại 1, nằm cách thủ đô Hà Nội 1.070 km về phía nam, cách thành phố Đà Nẵng 323 km về phía nam và cách Thành phố Hồ Chí Minh 652 km về phía bắc theo đường Quốc lộ 1A.

Bình Định được đánh giá là có vị trí chiến lược hết sức quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, được xem là một trong những cửa ngõ ra biển của các tỉnh Tây Nguyên và vùng nam Lào, đông bắc Campuchia.

Đặc điểm khí hậu tỉnh Bình Định

Bình Định nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, vị trí địa lý và địa hình nơi đây đã chi phối đến các quá trình hình thành các đặc trưng thời tiết Bình Định.

  • Nhiệt độ không khí trung bình năm của Bình Định: ở khu vực miền núi biến đổi 20,1 - 26,1°C, cao nhất là 31,7°C và thấp nhất là 16,5°C. Tại vùng duyên hải, nhiệt độ không khí trung bình năm là 27,0°C, cao nhất 39,9°C và thấp nhất 15,8°C.

Biểu đồ nhiệt độ tối thiểu và tối đa trung bình trong năm của tp.Quy Nhơn tỉnh Bình Định (nguồn: Weather and climate)

  • Độ ẩm tuyệt đối trung bình tháng trong năm: tại khu vực miền núi là 22,5 - 27,9% và độ ẩm tương đối 79-92%; tại vùng duyên hải độ ẩm tuyệt đối trung bình là 27,9% và độ ẩm tương đối trung bình là 79%.
  • Chế độ mưa: mùa mưa bắt đầu từ tháng 9 đến tháng 12. Riêng đối với khu vực miền núi có thêm một mùa mưa phụ tháng 5 - 8 do ảnh hưởng của mùa mưa Tây Nguyên. Mùa khô kéo dài tháng 1 - 8. Đối với các huyện miền núi tổng lượng mưa trung bình năm 2.000 - 2.400 mm. Đối với vùng duyên hải tổng lượng mưa trung bình năm là 1.751 mm. Tổng lượng mưa trung bình có xu thế giảm dần từ miền núi xuống duyên hải và có xu thế giảm dần từ Tây Bắc xuống Đông Nam.
  • Bão: Bình Định nằm ở miền Duyên hải Nam Trung Bộ, đây là miền thường có bão đổ bộ vào đất liền. Hàng năm trong đoạn bờ biển từ Quảng Nam - Đà Nẵng đến Khánh Hòa trung bình có 1,04 cơn bão đổ bộ vào. Tần suất xuất hiện bão lớn nhất tháng 9 - 11. (nguồn: wikipedia)

Điều kiện tự nhiên của tỉnh Bình Định

  • Địa hình

Địa hình của tỉnh tương đối phức tạp, thấp dần từ Tây sang Đông, với độ chênh lệch khá lớn (khoảng 1.000m). Các dạng địa hình phổ biến là các dãy núi cao, đồi thấp xen lẫn thung lũng hẹp độ cao trên dưới 100 mét, hướng vuông góc với dãy Trường Sơn, các đồng bằng lòng chảo, các đồng bằng duyên hải bị chia nhỏ do các nhánh núi đâm ra biển. Ngoài cùng là cồn cát ven biển có độ dốc không đối xứng giữa 2 hướng sườn đông và tây. Nhiều khu vực núi ăn ra sát biển tạo thành các mỏm núi đá dọc theo bờ, vách núi dốc đứng và dưới chân là các dải cát hẹp. Đặc tính này đã làm cho địa hình ven biển trở thành một hệ thống các dãy núi thấp xen lẫn với các cồn cát và đầm phá.

  • Sông ngòi

Bình Định có khá nhiều sông. Các sông ngòi không lớn, độ dốc cao, ngắn, hàm lượng phù sa thấp, tổng trữ lượng nước 5,2 tỷ m³, tiềm năng thuỷ điện 182,4 triệu kw. Có 4 sông lớn là: Lại Giang, Kôn, La Tinh và Hà Thanh. Nhiều hồ nhân tạo được xây dựng để phục vụ cho việc phát triển nông nghiệp và nuôi trồng thủy hải sản. Đặc biệt, đầm Thị Nại là đầm lớn, rất thuận lợi cho việc phát triển cảng biển tầm cỡ quốc gia và góp phần phát triển khu kinh tế Nhơn Hội. Đầm còn được biết đến là một di tích lịch sử - văn hóa và với cây cầu vượt biển dài nhất Việt Nam hiện nay.

Vẻ đẹp của đầm Thị Nại - Bình Định

  • Tài nguyên thiên nhiên

Với 134 km bờ biển, Bình Định sở hữu nhiều bãi tắm đẹp nổi tiếng, rộng hàng trăm ha, còn rất hoang sơ, cát trắng mịn thoai thoải, nước biển trong xanh, quanh năm tràn ngập ánh nắng: Quy Nhơn, Hải Giang, Trung Lương, Tân Thanh, Vĩnh Hội và nhiều đảo gần bờ: Nhơn Châu, Hòn Khô, Đảo Yến,… Là nguồn tài nguyên to lớn cho sự phát triển du lịch nghỉ dưỡng biển với nguồn lợi hải sản phong phú có giá trị kinh tế cao và các đặc sản quý hiếm như: cá thu, cá ngừ đại dương, tôm, mực, yến sào, tôm hùm, cua huỳnh đế... được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng. Khả năng khai thác hàng năm 120.000 tấn hải sản.

Ngoài ra, tỉnh Bình Định cũng có nguồn tài nguyên rừng, khoáng sản cũng rất đa dạng và phong phú.

Những nét đặc trưng về văn hóa của Bình Định

Bình Định nổi tiếng với những di tích lịch sử, văn hóa mà bản thân nó là những mốc son gắn liền với sự hình thành và phát triển của vùng đất huyền thoại này. Là cái nôi của phong trào Tây Sơn gắn liền với tên tuổi lẫy lừng của người anh hùng dân tộc Quang Trung - Nguyễn Huệ, vùng đất kinh đô của nhiều triều đại có bề dày lịch sử truyền thống văn hóa lâu đời với văn hóa Sa Huỳnh, văn hóa Chămpa…

Tháp Đôi ở Bình Định một trong những tháp có kiến trúc “độc nhất vô nhị” của nghệ thuật kiến trúc Champa

Bình Định còn là địa phương nổi tiếng với nghệ thuật hát Bội (Tuồng), bài Chòi độc đáo. Đặc biệt còn nổi tiếng là miền đất võ với những làng võ, lò võ vang danh khắp xứ

Bình Định, nơi hội tụ và giao hòa văn hóa của nhiều dân tộc anh em nên các hình thức văn hóa dân gian và lễ hội truyền thống cũng rất đa dạng và phong phú, là hình thức sinh hoạt văn hóa đặc sắc, phản ánh đời sống tinh thần và tâm linh của các dân tộc như: lễ hội Đổ Giàn, lễ hội Cầu Ngư, lễ hội Đua thuyền, lễ hội chợ Gò…

Bình Định nổi tiếng với những món ăn đặc sản lạ miệng mang nét đặc trưng văn hóa của miền đất võ như: Rượu Bàu Đá, Nem chợ huyện, bánh Ít lá gai, bún Chả cá Quy Nhơn, bánh Hỏi lòng heo, bún Song Thằn,...

Bài viết đã cung cấp đến các bạn đọc những thông tin cần thiết về vị trí địa lý, khí hậu và điều kiện tự nhiên của tỉnh Bình Định. Nhờ vào cảnh sắc hoang sơ, yên tĩnh mà trù phú của một mảnh đất ven biển, đã giúp Bình Định từ một vùng đất nghèo và vắng lặng trở nên phồn hoa, tấp nập và đến gần hơn với những người yêu du lịch, thích khám phá vẻ đẹp tự nhiên của biển xanh, nắng vàng và khám phá văn hóa tại nơi đất Nẫu xinh đẹp này.

Bài viết cùng chủ đề