Bão là gì? Mắt bão là gì? Bão hình thành như thế nào?

Người đăng: Sophie Nguyen

Những năm gần đây, tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng đẫn đến sự nóng lên của Trái Đất và kéo theo đó là các hiện tượng tự nhiên xảy ra bất thường. Trong đó, bão xuất hiện dày đặc với cường độ cực lớn, cực mạnh, gây hậu quả nghiêm trọng cho những nơi chúng đi qua. Vậy bão là gì và nó hình thành như thế nào? Mắt bão là gì? Bài viết dưới đây của chúng tôi sẽ giúp bạn giải đáp những câu hỏi trên.

MỤC LỤC
 

Bão là gì?

Bão thực chất là khối không khí xoay tròn với vận tốc cao, hoạt động trong phạm vi khá lớn, đường kính có thể lên tới 1.000 km.

Đây là trạng thái nhiễu động của khí quyển và là một loại hình thời tiết cực đoan, có thể được coi là một loại thảm họa. Tại Việt Nam, thuật ngữ "bão" dùng để diễn tả những cơn bão nhiệt đới, một loại thời tiết đặc trưng của các vùng biển nhiệt đới, thường có gió mạnh kèm theo mưa lớn.

Bão là một xoáy thuận nhiệt đới được cấu trúc bởi khối khí nóng ẩm với dòng thăng rất mạnh xung quanh mắt bão, tạo hệ thống mây, mưa xoáy vào vùng trung tâm bão. Vùng gió xoáy thuận này có đường kính hàng trăm km và hình thành trên vùng biển nhiệt đới ở bắc bán cầu.

Theo tiêu chuẩn quốc tế, bão được phân chia thành các loại dựa vào sức gió:

  • Sức gió dưới 63 km/h: áp thấp nhiệt đới (tropical depression)

  • Sức gió trên 63 km/h (cấp 8): bão nhiệt đới ("tropical cyclone" hoặc "tropical storm")

  • Sức gió trên 118 km/h (cấp 12): bão to với cuồng phong (typhoon)

  • Sức gió trên 241 km/h: bão rất to hay siêu bão (super typhoon)

Mắt bão là gì?

Mắt bão, còn gọi là tâm bão, là nơi có áp suất không khí rất thấp, còn xung quanh mắt bão thì không khí ở tầng thấp vừa xoáy nhanh vừa đổ về trung tâm áp thấp.

Đây là khu vực có điều kiện thời tiết hầu như yên bình, với vị trí nằm tại trung tâm của các xoáy thuận nhiệt đới cường độ mạnh. Mắt của một cơn bão có hình dạng gần tròn và đường kính điển hình là từ 30–65 km

Tâm bão được sinh ra khi cơn bão dần dần hình thành, các mây dông tập hợp nhiều hơn, tạo ra những dải mây mưa và chúng bắt đầu quay xung quanh một tâm ở giữa.

Các khối khí bên ngoài vòng sau đó lại chuyển động với vận tốc càng nhanh tạo nên ly tâm cực lớn nên không khí không còn vào được trung tâm nữa, làm cho không khí trong vùng tâm này lại giãn ra, áp suất không khí giảm xuống.

Điều này giải thích vì sao khi ở trong phạm mắt bão thì hầu như gió lại khá yếu, ít mây và mưa, thậm chí còn thấy được trăng sao.

Bão hình thành như thế nào?

Bão chỉ có thể hình thành khi có đủ 3 điều kiện: Nhiệt, ẩm và động lực để tạo xoáy.

Nhà khí tượng Erik palmen chỉ ra bão chỉ có thể hình thành trên biển trong dải vĩ độ 5 - 20 độ vĩ hai bên xích đạo có nhiệt độ cao (từ 26 – 27 độ C trở lên) đảm bảo cung cấp đủ lượng hơi nước khổng lồ bốc hơi mạnh từ mặt biển để cung cấp năng lượng ngưng kết cho bão hình thành và lực coriolis đủ lớn để tạo xoáy, tạo điều kiện thuận lợi cho bão hình thành. Vì vậy, bão thường hình thành ở các vùng nhiệt đới.

Nước nóng ở các vùng nhiệt đới tạo nên tình trạng bốc hơi mạnh, đây chính là nhiên liệu của bão. Khối khí rất ẩm này sẽ lên cao đến 15 km. Ở đó, khí sẽ trở nên lạnh, cô đặc và khiến những đám mây bão không cố định trở nên lớn hơn.

Nước càng nóng, guồng máy nhiệt độ càng lên cao và gió cũng tăng tốc. Lúc này, bão tăng sức mạnh. Sức của nó đôi khi đạt đến mức tương đương 5 quả bom hạt nhân/mỗi giây. Nhưng ngay khi gặp một dòng nước lạnh hơn hoặc gặp đất liền, bão sẽ giảm cường độ vì thiếu khí nóng bốc hơi.

Tác hại và hậu quả của bão

Tác hại chủ yếu của bão là gây mưa lớn, lũ lụt, úng ngập, nước biển dâng cao, gió mạnh, đôi khi còn kèm theo tố lốc, vòi rồng làm đổ cây cối, nhà cửa, hư hại tàu thuyền gây thiệt hại lớn cho mùa màng và đời sống con người.

Trong những năm gần đây, Việt Nam liên tục hứng chịu những cơn bão lớn « lịch sử », gây thiệt hại nặng nề về con người và kinh tế, xã hội. Những đợt gió mạnh giật cấp 12-13, có khi lớn hơn khiến cả những cây cổ thụ cũng không chống lại được, mùa màng thất thu. Bão lớn kéo theo lũ lụt, nước dâng gây thiệt hại nhà cửa, con người.

Năm 1960, cơn bão Ida đổ bộ vào Nhật Bản làm 1296 người thiệt mạng và hơn 1000 người bị thương, nhấn chìm 2 ngôi làng và tạo ra gần 2000 trận lở đất.

Bão Megi năm 2010 được coi là siêu bão lớn nhất hành tinh kể từ năm 2005, đổ bộ trực tiếp vào Philippines. Ngoài ra còn gây ảnh hưởng đến Việt Nam và Trung Quốc. Ước tính thiệt hại của cơn bão này lên đến gần 700 triệu USD

Biện pháp khắc phục

  • Nâng cao ý thức bảo vệ môi trường để tránh sự biến đổi thời tiết dẫn đến các thảm họa thời tiết xảy ra thất thường

  • Xây dựng nhà ở, công trình kiến trúc vững chắc, cao ráo để phòng nước dâng

  • Gia cố nhà cửa ngay khi có thông tin cảnh báo bão

  • Thường xuyên theo dõi dự báo để có thông tin nhanh chóng chính xác về hướng đi của bão.

  • Neo đậu tàu thuyền kiên cố khi có bão, không ra khơi trước bão

Hy vọng rằng qua bài viết các bạn đã có thêm nhiều thông tin về bão cũng như cách khắc phục và bảo vệ bản thân trước những cơn bão lớn.

Bài viết cùng chủ đề