Mưa Axit là gì? Nguyên nhân và hậu quả của Mưa Axit

Người đăng: John nguyen

Mưa axit xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1853. Tuy nhiên đến tận năm 1872, thuật ngữ “mưa axit” mới được Robert Angus Smith đưa ra và đến tận cuối thập niên 1960, hiện tượng này mới được các nhà khoa học quan sát và nghiên cứu kỹ lưỡng. Vậy mưa axit là gì? Trong mưa axit có những chất gì? Nguyên nhân nào dẫn đến hiện tượng mưa axit? Tác động của nó tới môi trường? Cách khắc phục tình trạng này ra sao?

Hãy tham khảo bài viết dưới đây để hiểu rõ hơn về hiện tượng này nhé!

MỤC LỤC

1. Mưa axit là gì?

2. Nguyên nhân và quá trình dẫn đến mưa axit

3. Tác hại của mưa axit

4. Lợi ích của mưa axit

5. Thực trạng mưa axit ở Việt Nam hiện nay

6. Cách khắc phục mưa axit

1. Mưa axit là gì?

Hiện tượng mưa axit là một trong những hiện tượng tự nhiên đáng sợ nhất, xảy ra khi ô nhiễm môi trường không khí. Đây là hiện tượng nước mưa có độ chua (pH dưới 5,6) và trong thành phần nước mưa có nitơ và lưu huỳnh. Hai thành phần này được tạo ra trong quá trình sử dụng nguyên liệu như than đá, dầu mỏ làm chất đốt.

Mưa axit có 2 loại trạng thái ướt và khô. Trạng thái ướt (lắng đọng ướt) là khi mưa axit của chứa nước. Ngược lại, mưa axit tạo thành bụi, khí, tuyết, sương mù là trạng thái khô (lắng đọng khô).

2. Nguyên nhân và quá trình dẫn đến mưa axit

Mưa axit có thể bắt nguồn từ núi lửa, cháy rừng hay sấm sét khi mà khí SO2 và NO2 kết hợp với hơi nước trong khí quyển và tạo thành axit.

Tuy nhiên, nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng mưa axit xuất hiện ngày càng nhiều chính là do các hoạt động sản xuất công nghiệp của con người. Phục vụ cho đời sống của mình, con người đốt nhiều than đá, dầu mỏ mà trong than đá dầu mỏ thường chứa một lượng lưu huỳnh, còn trong không khí lại chứa rất nhiều khí nitơ. Khi lượng oxit của 2 chất này ở trong khí quyển tăng cao sẽ xảy ra hiện tượng mưa axit. Các phương tiện giao thông, nhà máy nhiệt điện, luyện kim, lọc dầu và một số nhà máy khác đốt nhiên liệu xả lưu huỳnh đioxit SO2 vào khí quyển. Nitơ đioxit NO2 được không khí tạo nên ở nhiệt độ cao của phản ứng đốt nhiên liệu. Khi cháy trong môi trường không khí có thành phần O2, chúng sẽ biến thành SO2 và NO2, rất dễ hòa tan trong nước. Trong quá trình mưa, dưới tác dụng của bức xạ môi trường, các oxit này sẽ phản ứng với hơi nước trong khí quyển để hình thành các axit như H2SO4 axit Sunfuric, axit Nitric. Chúng lại rơi xuống mặt đất cùng với các hạt mưa hay lưu lại trong khí quyển cùng mây trên trời. Nếu nước mưa có độ pH dưới 5,6 được gọi là mưa axit. Do có độ chua khá lớn, nước mưa có thể hoà tan được một số bụi kim loại và oxit kim loại có trong không khí oxit chì,... làm cho nước mưa trở nên độc hơn nữa đối với cây cối, vật nuôi và môi trường.

  • Lưu huỳnh
S + O2 → SO2;

Quá trình đốt cháy lưu huỳnh trong khí oxi sẽ sinh ra lưu huỳnh đioxit.

SO2 + OH· → HOSO2·;

Phản ứng hoá hợp giữa lưu huỳnh đioxit và các hợp chất gốc hiđroxit.

HOSO2· + O2 → HO2· + SO3;

Phản ứng giữa hợp chất gốc HOSO2· và O2 sẽ cho ra hợp chất gốc HO2· và SO3.

SO3(k) + H2O(l) → H2SO4(l);

Lưu huỳnh triôxít SO3 sẽ phản ứng với nước và tạo ra H2SO4 (axit sunfuric).

  • Nitơ
N2 + O2 → 2NO;

2NO + O2 → 2NO2;

3NO2(k) + H2O(l) → 2HNO3(l) + NO(k);

Axit nitric HNO3 và axit sunfuric H2SO4 là thành phần chính của mưa axit.

3. Tác hại của mưa axit

Vì trong thành phần có 2 loại axit độc hại là Axit nitric HNO3 và axit sunfuric H2SO4 , mưa axit có ảnh hưởng tiêu cực đến nhiều mặt.

  • Ảnh hưởng đến sức khỏe con người

Khi sử dụng nước mưa chứa nhiều axit trong các hoạt động sinh hoạt hằng ngày có thể gây viêm da, mẩn ngứa, nấm,.. Nếu dùng để ăn uống sẽ gây ảnh hưởng lớn cho hệ tiêu hóa, tổn hại thần kinh…Ngoài ra, nếu sử dụng loại nước mưa này thường xuyên người dùng dễ mắc các bệnh về đường hô hấp. Bên cạnh đó, nó cũng có khả năng làm giảm sức đề kháng.

  • Tác động đến sinh vật dưới nước

Các dòng chảy do mưa axit đổ vào hồ, ao sẽ làm độ pH của hồ, ao giảm đi nhanh chóng, các sinh vật trong hồ, ao suy yếu hoặc chết hoàn toàn. Hồ, ao trở thành các thuỷ vực chết.

  • Ăn mòn bề mặt công trình kiến trúc

Mưa axit phá huỷ các vật liệu làm bằng kim loại như sắt, đồng, kẽm,... ăn mòn và làm giảm tuổi thọ các công trình xây dựng.

  • Đối với thực vật

Mưa axit khi ngấm xuống đất làm tăng độ chua của đất, hoà tan các nguyên tố trong đất cần thiết cho cây như canxi (Ca), Magie (Mg),... làm suy thoái đất, cây cối kém phát triển. Đồng thời nó cũng hòa tan các khoáng chất có lợi cùng các chất dinh dưỡng trong đất, gây ra sự thiếu hụt chất dinh dưỡng ở cây và cây sẽ chết dần nếu không được bổ sung kịp thời. Lá cây gặp mưa axit sẽ bị "cháy" lấm chấm, mầm sẽ chết khô, làm cho khả năng quang hợp của cây giảm, cho năng suất thấp.

4. Lợi ích của mưa axit

Mặc dù gây ảnh hưởng tiêu cực lớn đến sinh vật sống, Theo điều tra cho thấy, thành phần sunphua có trong các cơn mưa axit có thể ngăn Trái Đất nóng lên. Việc này có thể thực hiện được nhờ vào việc tác động vào quá trình sản xuất khí metan tự nhiên của các vi khuẩn trong đầm lầy.

Lý do là vì trong các yếu tố gây ra hiệu ứng nhà kính thì metan chiếm tới 22% và các vi khuẩn ở đầm lầy là thủ phạm sản xuất chính. Chúng tiêu thụ chất nền có trong than bùn và giải phóng khí metan vào khí quyển.

Bên cạnh đó, trong đầm lầy, ngoài vi khuẩn sinh ra metan còn có vi khuẩn ăn sunphua, cạnh tranh thức ăn với chúng. Khi có mưa axit đổ xuống, nhóm vi khuẩn này sẽ sử dụng sunphua. Đồng thời, cũng tiêu thụ luôn phần chất nền dành cho vi khuẩn sinh metan. Vì vậy, các vi khuẩn metan bị “đói” và sẽ sản xuất ra ít khí nhà kính hơn. Nhiều thí nghiệm đã cho thấy, phần sunphua lắng đọng có khả năng giảm quá trình sinh metan lên tới 30%.

5. Thực trạng mưa axit ở Việt Nam hiện nay

Thời gian gần đây, tình trạng mưa axit xảy ra ngày càng rõ rệt. Tại khu vực miền Bắc và miền Trung có tần suất xuất hiện mưa axit từ 15 đến 85%. Trong đó, lượng mưa axit cao nhất đã đo được ở trạm Đà Nẵng (tần suất hơn 83,1%), tiếp theo là Cúc Phương, Ninh Bình (tần suất 55%) và Hòa Bình (34,9%). Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh có nồng độ mưa axit thấp hơn nhiều so với những địa phương trên.

6. Cách khắc phục mưa axit

  • Lắp đặt thiết bị khử sunphua tại các nhà máy nhiệt điện để hạn chế lượng sunphua thải ra khí quyển
  • Giảm lượng oxit nitơ bằng cách hạn chế lượng khí thải từ các phương tiện giao thông, hoặc cải tiến các động cơ của phương tiện giao thông theo tiêu chuẩn EURO giúp đốt cháy hoàn toàn nhiên liệu, gắn thêm hộp xúc tác để khử NOx và SOx nhằm hạn chế lượng khí thải ra môi trường ở mức thấp nhất.
  • Tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về phát thải nhằm hạn chế tối đa phát tán SOx và NOx vào khí quyển.
  • Sử dụng năng lượng tái tạo thân thiện với môi trường và hydro thay cho các nguyên liệu truyền thống
  • Nâng cao chất lượng của nhiên liệu hóa thạch bằng cách loại bỏ triệt để các chất lưu huỳnh và nitơ có trong dầu mỏ, than đá trước khi đưa vào sử dụng.
  • Ngoài ra, đối với người dân, không nên hứng nước mưa đầu mùa vì có nguy cơ chứa nhiều chất bẩn nhất, trong đó có các axit H2SO4, HNO3 … 

Như vậy, qua bài viết chúng tôi tổng hợp, có thể thấy, mưa axit là một thảm họa thiên nhiên có ảnh hưởng rất xấu tới con người, sinh vật cũng như môi trường thiên nhiên. Vì vậy hãy cùng nhau chung tay bảo vệ môi trường, bảo vệ không gian sống của chúng ta!

 

Bài viết cùng chủ đề