Nằm ngay ở cửa ngõ Hà Nội, tỉnh Hà Tây được nhiều người biết đến với biệt danh “mảnh đất trăm nghề”. Nơi đây hội tụ nhiều làng nghề truyền thống hết sức đa dạng, phong phú, hàng năm thu hút nhiều lượt tham quan của người tứ xứ. Trong bài viết ngày hôm nay, hãy cùng Dự báo thời tiết tìm hiểu đôi nét về đặc điểm khí hậu, vị trí địa lý cũng như điều kiện tự nhiên của Hà Tây nhé!
Tỉnh Hà Tây cũ
Hà Tây là một tỉnh miền núi trung du cũ thuộc vùng Đồng bằng sông Hồng, Việt Nam, từng tồn tại trong hai giai đoạn là 1965 – 1976 và 1991 – 2008. Vào đầu tháng 8 năm 2008, toàn bộ diện tích và dân số của tỉnh Hà Tây được sáp nhập vào thành phố Hà Nội ngày nay.
Địa bàn tỉnh Hà Tây cũ nằm ở khu vực phía tây và phía nam thành phố Hà Nội hiện nay. Trung tâm hành chính của tỉnh là thành phố Hà Đông (nay là quận Hà Đông, thành phố Hà Nội) nằm cách trung tâm Hà Nội cũ khoảng 10 km về phía tây nam.
Vị trí địa lý tỉnh Hà Tây
Tọa độ địa lý của tỉnh Hà Tây nằm ở 20°33' - 21°18' vĩ độ Bắc, 105°57' - 105°9' kinh độ Ðông, cách thủ đô Hà Nội 11 km.
Phía đông tỉnh Hà Tây giáp thành phố Hà Nội và tỉnh Hưng Yên; Phía tây giáp tỉnh Hòa Bình và tỉnh Phú Thọ; Phía nam giáp tỉnh Hà Nam; Phía bắc giáp tỉnh Vĩnh Phúc và tỉnh Phú Thọ
Trước khi giải thể vào năm 2008 và sáp nhập vào thành phố Hà Nội như hiện nay, tỉnh Hà Tây có diện tích 2.193,41 km², dân số là 2.568.007 người (gồm 6 nhóm dân tộc Kinh, Mường, Tày, Thái, Nùng, và các nhóm dân tộc nhỏ khác), mật độ dân số đạt 1.171 người/km²
Khí hậu Hà Tây tương đối giống với các tỉnh, thành phố khác ở miền Bắc.
« Vùng đất lụa » nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa với đặc trưng nổi bật là gió mùa ẩm, nóng và mưa nhiều về mùa hè, lạnh và ít mưa về mùa đông. Thời tiết Hà Tây được chia làm 4 mùa rõ rệt
- Mùa xuân bắt đầu vào tháng 2 (hay tháng giêng âm lịch) kéo dài đến tháng
- Mùa hè bắt đầu từ tháng 5 đến tháng 8, nóng bức nhưng lại mưa nhiều
- Mùa thu bắt đầu từ tháng 8 đến tháng 10, trời dịu mát, lá vàng rơi
- Mùa đông bắt đầu từ tháng 11 đến tháng 1 năm sau, thời tiết giá lạnh, khô hanh
Ranh giới giữa các mùa chỉ là tương đối vì hiện nay trái đất nóng lên làm thay đổi khí hậu khiến nó trở nên thất thường hơn. Có năm rét sớm, có năm rét muộn, có năm nóng kéo dài, nhiệt độ lên tới 40°C, có năm nhiệt độ xuống thấp dưới 5°C.
Ở Hà Tây, mưa, bão tập trung từ tháng 7 đến tháng 9; trong những ngày mưa lớn thường xảy ra lũ quét bất ngờ, có lưu lượng nước lớn, đặc biệt nguy hiểm với các khu vực ven suối. Lượng mưa trung bình hàng năm là 1.800 - 2.000 mm. Nhiệt độ trung bình hàng năm cao nhất là 29°C, thấp nhất là 14°C.
Hà Tây có cấu trúc địa hình đa dạng, vùng đồi núi nằm ở phía Tây và vùng đồng bằng ở phía Ðông, độ cao giảm dần từ Tây Bắc xuống Ðông Nam. Trong đó, vùng đồi núi chiếm 1/3 diện tích tự nhiên toàn tỉnh, còn lại 2/3 là vùng đồng bằng tương đối bằng phẳng. Vùng núi đá vôi tập trung ở phía Tây Nam của tỉnh và có địa hình phức tạp với nhiều hang động. Ðiểm cao nhất cao 1.282m (đỉnh núi Ba Vì), điểm thấp nhất 1,7m so với mặt nước biển
Tài nguyên đất của tỉnh Hà Tây khá đa dạng, gồm 164.800 ha diện tích đất tự nhiên. Diện tích đất nông nghiệp chiếm 56,3% gồm đất trồng cây hàng năm, đất gieo trồng lúa 2 vụ mỗi năm, đất trồng cây lâu năm, đất có mặt nước nuôi trồng thuỷ sản; diện tích đất lâm nghiệp chiếm 7,62%; diện tích đất chuyên dùng chiếm 18,02%; diện tích đất nhà ở chiếm 5,75% và diện tích đất chưa sử dụng, sông suối đá chiếm 12,32%.
Tính đến năm 2002, toàn tỉnh có 16.770 ha rừng, trong đó: Diện tích rừng tự nhiên là 3.922 ha, diện tích rừng trồng là 12.848 ha. Tỉnh Hà tây có nhiều khu bảo tồn thiên nhiên như: Vườn Quốc gia Ba Vì, rừng tự nhiên Chùa Hương (huyện Mỹ Ðức).
Về khoáng sản, Hà Tây có một số khoáng sản chính khá đa dạng như: Ðá vôi, đá granite ốp lát, đất sét, than bùn, nước khoáng, pyrit, ngoài ra còn có các khoáng sản khác như vàng gốc và sa khoáng, đồng, đôlômit, cao lanh.
Với sự giàu có về các di tích lịch sử, hệ thống đình chùa, đền miếu và lễ hội hàng năm được tổ chức làm phong phú thêm đời sống văn hoá, tinh thần của nhân dân và thu hút hàng triệu lượt tham quan trẩy hội mỗi năm của du khách từ các vùng miền khác nhau. Ngoài ra Hà Tây còn được mệnh danh là mảnh đất trăm nghề. Hà Tây có trên 200 làng nghề và đa dạng các sản phẩm thủ công mỹ nghệ đặc sắc được rất nhiều du khách và người tiêu dùng ưa chuộng như pháo Bình Đà, lụa Vạn Phúc, sơn mài - Duyên Thái, tiện gỗ - Nhị Khê, đồ thêu - Quất Động, Nón Chuông, Quạt Vác, khảm trai Chuyên Mỹ, hàng mây tre Phú Vinh, đồ mộc Chàng Sơn, Sơn Đồng, may Trạch Xá, đàn Đào Xá, mộc Đại Nghiệp, tơ lưới Hà Thao, tò he Xuân La,... Tất cả những điều trên đã làm nên tài nguyên du lịch cho tỉnh Hà Tây ngày một phát triển, đi lên.
Làng nghề lụa Vạn Phúc, Hà Tây
Như vậy, bài viết trên đã tổng hợp các kiến thức về vị trí địa lý, đặc điểm khí hậu, và điều kiện tự nhiên của tỉnh Hà Tây. Mong rằng những thông tin bổ ích này sẽ giúp cho bạn có chuyến du lịch tới mảnh đất trăm nghề này nhé!