Nằm ở vị trí trung độ của cả nước, Quảng Ngãi cách thủ đô Hà Nội 883 km về phía Bắc và cách thành phố Hồ Chí Minh 838 km về phía Nam. Tỉnh Quảng Ngãi bao gồm 1 thành phố trực thuộc (thành phố Quảng Ngãi) và 13 huyện trong đó có 1 huyện đảo (huyện đảo Lý Sơn), 6 huyện đồng bằng, 6 huyện miền núi. Các huyện của Quảng Ngãi gồm huyện: Ba Tơ, Bình Sơn, Đức Phổ, Minh Long, Mộ Đức, Nghĩa Hành, Sơn Hà, Sơn Tây, Sơn Tịnh, Tây Trà, Trà Bồng, Tư Nghĩa.
Khí hậu ở Quảng Ngãi là khí hậu nhiệt đới và gió mùa, nên nhiệt độ cao và ít biến động. Chế độ ánh sáng, mưa ẩm phong phú, nhiệt độ trung bình năm từ 25,5ºC - 26,5ºC, nhiệt độ cao nhất lên đến 41ºC và thấp nhất là 12ºC. Thời tiết Quảng Ngãi tùy vào từng khu vực địa hình mà sẽ có sự chênh lệch nhất định.
Biểu đồ nhiệt độ trung bình thấp và nhiệt độ trung bình cao các tháng của tỉnh Quãng Ngãi
Khí hậu nơi đây phân hóa thành 2 mùa rõ rệt, gồm có mùa mưa và mùa nắng. Mùa mưa từ tháng 9 đến tháng 12, mùa nắng từ tháng 4 đến tháng 8 và lạnh nhất từ tháng 1 đến tháng 3. Mùa gió thì Quảng Ngãi có hai mùa gió chính (gió mùa mùa Đông và gió mùa mùa Hè). Do địa hình chi phối nên hướng gió không phản ánh đúng cơ chế của hoàn lưu. Tuy nhiên, hướng gió hình thành vẫn biến đổi theo mùa rõ rệt.
Quảng Ngãi có địa hình tương đối phức tạp với đặc điểm chung là núi lấn sát biển, địa hình có tính chuyển tiếp từ địa hình đồng bằng ven biển ở phía đông đến địa hình miền núi cao ở phía tây. Miền núi chiếm khoảng 3/4 diện tích tự nhiên toàn tỉnh, đồng bằng nhỏ hẹp chiếm 1/4 diện tích tự nhiên. Cấu tạo địa hình Quảng Ngãi gồm các thành tạo đá biến chất, đá magma xâm nhập, phun trào và các thành tạo trầm tích có tuổi từ tiền Cambri đến Đệ tứ.
Giống như các tỉnh miền Trung khác, địa hình Quảng Ngãi nhìn chung có dạng đẳng thước và được chia thành 4 vùng rõ rệt: đồi núi, đồng bằng ven biển, tiếp đến là địa hình núi thấp và đồi xen kẽ đồng bằng nơi núi chạy sát biển và vùng hải đảo.
Các sông chính chảy qua tỉnh là sông Trà Khúc, sông Trà Bồng, sông Vệ.
Quảng Ngãi có nguồn tài nguyên đất vô cùng đa dạng và phong phú thích hợp phát triển nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi. Đất đai trên địa bàn tỉnh được chia làm 9 nhóm đất chính với 25 đơn vị đất và 68 đơn vị đất phụ. Các nhóm đất chính là cồn cát, đất cát ven biển, đất mặn, đất phù sa, đất giây, đất xám, đất đỏ vàng, đất đen, đất nứt nẻ, đất xói mòn trơ trọi đá. Trong đó, nhóm đất xám có vị trí quan trọng với hơn 74,65% diện tích đất tự nhiên, thích hợp với cây công nghiệp dài ngày, cây đặc sản, dược liệu, chăn nuôi gia súc và nhóm đất phù sa thuộc hạ lưu các sông chiếm 19,3% diện tích đất tự nhiên, thích hợp với trồng lúa, cây công nghiệp ngắn ngày, rau đậu… Đất Quảng Ngãi có thành phần cơ giới nhẹ, hơi chặt, thích hợp với trồng mía và các cây công nghiệp ngắn theo ngày (nguồn: Wikipedia).
Ngoài ra, Quảng Ngãi còn có đường bờ biển với chiều dài khoảng 129 km với vùng lãnh hải rộng lớn 11.000 km2 và 6 cửa biển vốn giàu nguồn lực hải sản với nhiều bãi biển đẹp. Quảng Ngãi nằm trong vùng kinh tế trọng điểm miền Nam Trung Bộ được Chính phủ chọn khu vực Dung Quất để xây dựng nhà máy lọc dầu đầu tiên của Việt Nam. Trong tương lai Dung Quất sẽ trở thành một cảng dầu khí lớn nhất Việt Nam cùng với thành phố Vạn Tường hiện đại. Quảng Ngãi mảnh đất giàu tiềm năng đang chờ đợi đầu tư hơn nữa để trở thành một trong những trung tâm phát triển ở miền Trung và là điểm du lịch thu hút khách trong và ngoài nước.
Cảng Dung Quất ở Quãng Ngãi
Bài viết trên đã tổng hợp các kiến thức cơ bản về khí hậu, vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên của tỉnh Quảng Ngãi. Hy vọng chúng sẽ giải đáp phần nào những thắc mắc của các bạn về tỉnh Quảng Ngãi, qua đó các bạn đọc cũng biết thêm về những tiềm năng phát triển mạnh của vùng đất xứ Quảng này. Nơi đây hội tụ đủ các yếu tố hấp dẫn để các nhà đầu tư an tâm khi đầu tư vào đây, Quảng Ngãi có vị trí địa lý thuận lợi nằm giữa hai đầu Bắc - Nam, vừa có điều kiện tự nhiên thích hợp, có cảng biển, đường quốc lộ, đường sắt Bắc-Nam, cùng với những chính sách ưu đãi đầu tư đặc biệt từ Chính phủ và của địa phương.