Bắc Giang là tỉnh thuộc vùng Trung du và miền núi phía Bắc (nằm phía Đông Bắc Việt Nam); là tỉnh nằm trong quy hoạch vùng thủ đô Hà Nội; có tọa độ địa lý từ 21°07’ đến 21°37’ vĩ độ bắc, từ 105°53’ đến 107°02’ kinh độ đông. Phía Nam giáp các tỉnh Bắc Ninh, Hải Dương; phía Bắc giáp tỉnh Lạng Sơn; phía Đông giáp tỉnh Quảng Ninh; phía Tây giáp Thủ đô Hà Nội và tỉnh Thái Nguyên.
Vị trí địa lý của tỉnh Bắc Giang
Diện tích tự nhiên là 3.843,9 km2, tỉnh Bắc Giang có 10 đơn vị hành chính cấp tỉnh gồm: thành phố Bắc Giang và 9 huyện, trong đó có 6 huyện miền núi (Lục Ngạn, Lục Nam, Yên Thế, Lạng Giang, Yên Dũng, Tân Yên), 1 huyện vùng cao (Sơn Động) và 2 huyện trung du, đồng bằng (Hiệp Hòa, Việt Yên). Toàn tỉnh có 230 xã, phường, thị trấn.
Trung tâm hành chính của tỉnh là thành phố Bắc Giang cách Thủ đô Hà Nội 50km; cách cửa khẩu Hữu Nghị Quan 110km (cửa khẩu lớn nhất thông thương giữa Việt Nam với Trung Quốc); có vị trí chuyển tiếp giữa các tỉnh phía Đông Bắc với các tỉnh thuộc vùng đồng bằng Sông Hồng và Thủ đô Hà Nội, nằm trên hành lang kinh tế Nam Ninh - Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng và giữa trung tâm của vùng tam giác kinh tế trọng điểm Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh là điều kiện để phát triển và liên kết vùng rất thuận lợi. Từ Bắc Giang dễ dàng thông thương với các tỉnh trong nước và các Quốc gia trong khu vực.
Tỉnh Bắc Giang nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa khu vực Đông Bắc Việt Nam, một năm có bốn mùa rõ rệt. Mùa Đông có khí hậu khô, lạnh; mùa Hè khí hậu nóng, ẩm; mùa Xuân và mùa Thu mát mẻ. Độ ẩm trung bình trong năm là 83 %, một số tháng trong năm có độ ẩm trung bình trên 85 %. Các tháng mùa khô có độ ẩm không khí dao động khoảng 74% – 80%. Nắng trung bình hàng năm từ 1.500 – 1.700 giờ, thời tiết Bắc Giang thuận lợi cho canh tác, phát triển các cây trồng nhiệt đới, á nhiệt đới.
Lượng mưa trung bình hàng năm khoảng 1.533 mm, mưa nhiều trong thời gian các tháng từ tháng 4 đến tháng 9. Lượng nước bốc hơi bình quân hàng năm khoảng 1.000 mm, 4 tháng có lượng bốc hơi lớn hơn lượng mưa là từ tháng 12 năm trước đến tháng 3 năm sau.
Biểu đồ khí hậu theo tháng của tỉnh Bắc Giang (nguồn: Climate-data.org)
Chế độ gió cơ bản chịu ảnh hưởng của gió Đông Nam (mùa Hè) và gió Đông Bắc (mùa Đông). Một số khu vực thuộc miền núi cao có hình thái thời tiết khô lạnh, rét đậm, có sương muối vào mùa Đông. Một số huyện miền núi có hiện tượng lốc cục bộ, mưa đá, lũ vào mùa mưa. Bắc Giang ít xuất hiện gió Lào vào mùa Hè và ít chịu ảnh hưởng của bão do có sự che chắn của nhiều dãy núi cao.
Địa hình Bắc Giang có nền địa chất tốt, thấp dần từ phía Bắc xuống phía Nam. Địa hình gồm 2 tiểu vùng là miền núi và trung du có đồng bằng xen kẽ:
+ Đặc điểm chủ yếu về địa hình miền núi (chiếm 72% diện tích toàn tỉnh) là chia cắt mạnh, phức tạp , chênh lệch về độ cao lớn. Nhiều vùng đất đai tốt, nhất là ở các khu vực còn rừng tự nhiên. Vùng đồi núi thấp có thể trồng được nhiều cây ăn quả, cây công nghiệp như: Vải thiều, cam, chanh, na, hồng, chè, đậu tương, lạc ... , thuận tiện để chăn nuôi các loại gia súc, gia cầm, thuỷ sản.
+ Đặc điểm chủ yếu của địa hình miền trung du (chiếm 28% diện tích toàn tỉnh) là đất gò, đồi xen lẫn đồng bằng tùy theo khu vực. Vùng trung du có khả năng trồng nhiều loại cây lương thực, thực phẩm, cây ăn quả, cây công nghiệp, chăn nuôi các loại gia súc, gia cầm, cá và nhiều loại thuỷ sản khác.
Tuy phần lớn diện tích tự nhiên của tỉnh là núi đồi nhưng nhìn chung địa hình không bị chia cắt nhiều. Phía bắc và phía đông nam của tỉnh là vùng rừng núi cao từ 300m - 900 m. Vùng đồi núi thấp và đồng bằng trung du nằm kẹp giữa hai dãy núi hình cánh cung là cánh cung Đông Triều phía ở phía đông nam và và cánh cung Bắc Sơn ở phía tây - bắc. Cánh cung Đông Triều với dãy núi Yên Tử, cao trung bình 300–900m so với mặt biển, trong đó đỉnh cao nhất là 1.068 m. Tại vùng núi phía đông bắc tỉnh, giáp với Quảng Ninh có khu rừng nguyên sinh Khe Rỗ rộng 7153 ha với hệ động vật và thực vật phong phú, bao gồm 236 loài cây thân gỗ, 255 loài cây dược liệu, 37 loài thú, 73 loài chim và 18 loài bò sát.
Khu rừng nguyên sinh Khe Rỗ ở Bắc Giang
Trên địa bàn Bắc Giang có 374 km sông suối, trong đó ba sông lớn là sông Lục Nam, sông Thương và sông Cầu. Sông Lục Nam chảy qua vùng núi đá vôi nên quanh năm nước trong xanh. Sông Thương bắt nguồn từ hai vùng có địa hình và địa chất khác nhau nên nước chảy đôi dòng: bên đục, bên trong.
Ngoài sông suối, Bắc Giang còn có nhiều hồ, đầm, trong đó có hồ Cấm Sơn và Khuôn Thần.
Tài nguyên rừng: toàn tỉnh có trên 140 nghìn ha đất lâm nghiệp có rừng chiếm 36,41% tổng diện tích tự nhiên, trong đó có trên 50% là rừng sản xuất có giá trị kinh tế lớn. Rừng tự nhiên còn tại 2 khu bảo tồn Khe Rỗ và Tây Yên Tử với hơn 200 loài thực vật, nhiều chủng loại cây hỗn giao phong phú và động vật rừng quý hiếm đang được bảo tồn. Rừng Bắc Giang nằm ở đầu nguồn các hồ chứa nước lớn, có khả năng thu hút khách du lịch như hồ Cấm Sơn, Khuôn Thần, Suối Mỡ…
Tài nguyên khoáng sản: trên địa bàn tỉnh có một số nguyên liệu quan trọng để phát triển công nghiệp như: Than đá tại các huyện Yên Thế, Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam có trữ lượng khoảng hơn 114 triệu tấn, trong đó mỏ than Đồng Rì có trữ lượng trên 100 triệu tấn (đã triển khai xây dựng nhà máy nhiệt điện Sơn Động); quặng sắt ở Yên Thế khoảng 500 nghìn tấn; gần 100 nghìn tấn quặng đồng ở Lục Ngạn, Sơn Động; trên 600 nghìn tấn quặng barit; có tiềm năng về sét làm gạch ngói, cuội kết ở Hiệp Hòa, Lục Nam với tổng trữ lượng trên 8 triệu m³…
Trên đây là những thông tin tổng hợp về vị trí địa lý, đặc điểm khí hậu và điều kiện tự nhiên của tỉnh Bắc Giang. Hy vọng các bạn đã có cho mình những kiến thức bổ ích!