+ Khu vực trung tâm: nằm kẹp giữa một bên là dãy núi cao thuộc cánh cung Ngân Sơn ở phía Đông, với một bên là cánh cung Sông Gâm, có địa hình thấp, nằm dọc thung lũng sông Cầu. Khu vực này thích hợp phát triển nông nghiệp, giao thông.
Như vậy toàn tỉnh có độ cao giảm dần từ Tây Bắc xuống Đông Nam, cao nhất có đỉnh 1.640 m thuộc dãy Nam Khiếu Thượng. Độ cao bình quân toàn tỉnh từ 500 - 600m, nơi thấp nhất 40m thuộc khu vực xã Quảng Chu (Chợ Mới).
Nhìn chung, địa hình của tỉnh Bắc Kạn có nhiều tiềm năng phát triển công nghiệp khai thác, sản xuất vật liệu xây dựng. Tuy nhiên, địa hình phức tạp cũng gây khó khăn cho việc đi lại của người dân, gây trở ngại lớn tơi việc trao đổi hàng hóa giữa các vùng trong tỉnh. Hệ thống núi phía Đông là phần cuối của cánh cung Ngân Sơn địa hình hiểm trở, thường xảy ra lũ quét, sạt lở đất, dân cư thưa thớt, không có những thung lũng phù sa rộng, phát triển nông nghiệp khó khăn.
Là tỉnh miền núi nhưng Bắc Kạn có hệ thống sông ngòi lớn, mạng lưới sông ngòi của tỉnh tương đối phong phú nhưng đa số là các nhánh thượng nguồn với đặc điểm chung là ngắn, dốc, thủy chế thất thường. Bắc Kạn là đầu nguồn của 5 con sông lớn của vùng Đông Bắc là sông Lô, sông Gâm, sông Kỳ Cùng, sông Bằng, sông Cầu.
Ngoài hệ thống sông ngòi, Bắc Kạn còn nổi tiếng với hồ Ba Bể. Đây là một trong những hồ kiến tạo đẹp và lớn nhất nước ta, được hình thành từ một vùng đá vôi bị sụt xuống do nước chảy ngầm đã đục rỗng lòng khối núi. Diện tích mặt hồ khoảng 500ha, là nơi hợp lưu của ba con sông Ta Han, Nam Cương và Cho Leng. Hồ có ba nhánh thông nhau nên gọi là Ba Bể. Hồ Ba Bể đã được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia (năm 1996); xếp hạng là di tích danh thắng Quốc gia đặc biệt (năm 2012).
Vẻ đẹp của hồ Ba Bể ở Bắc Kạn
Bắc Kạn có nguồn tài nguyên khoáng sản đa dạng và tiềm năng về rừng, đặc biệt là các khu rừng nguyên sinh với hệ thống động thực vật rất phong phú. Diện tích rừng tự nhiên của Bắc Kạn vào loại lớn nhất trong các tỉnh vùng Đông Bắc (95,3% diện tích). Ngoài khả năng cung cấp gỗ, tre, nứa còn nhiều loại động vật, thực vật quý hiếm, có giá trị và được coi là một trung tâm bảo tồn nguồn gen thực vật của vùng Đông Bắc.
Đất đai ở đây cũng tương đối màu mỡ, nhiều nơi tầng đất dày, đất đồi núi có lượng mùn cao, thích hợp cho sản xuất nông lâm nghiệp, trồng cây công nghiệp, cây ăn quả và phục hồi rừng.
Bên cạnh đó, Bắc Kạn có khí hậu thuận lợi để phát triển một tập đoàn cây trồng, vật nuôi đa dạng, đặc biệt là cây công nghiệp, cây ăn quả, chăn nuôi đại gia súc. Đây là lợi thế để phát triển một nền nông nghiệp sinh thái, tạo ra các sản phẩm tập trung phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu.
Bài viết trên đây của chúng tôi đã tổng hợp đến các bạn đọc những thông tin về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên cũng như về thời tiết của tỉnh Bắc Kạn. Là tỉnh có địa hình đồi núi hiểm trở, khí hậu khắc nghiệt nhưng lại được thiên nhiên ưu đãi nguồn tài nguyên phong phú, khoáng sản và nền văn hoá đậm đà bản sắc dân tộc miền núi đông bắc Việt Nam. Đặc biệt đến với Bắc Kạn du khách sẽ được đến thăm khu du lịch sinh thái vườn Quốc gia Ba Bể, nơi có hồ Ba Bể “viên ngọc xanh giữa núi rừng Việt Bắc”và là một trong 16 hồ nước đẹp nhất thế giới.