Khí hậu Thanh Hóa như thế nào? Vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên của Thanh Hóa

Người đăng: Sophie Nguyen

Thanh Hoá được mệnh danh là vùng đất “địa linh nhân kiệt” nổi bật với lịch sử lâu đời. Không chỉ vậy, Thanh Hóa còn được biết đến với nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng như Pù Luông hay biển Hải Tiến. Để có thêm nhiều thông tin bổ ích cho chuyến đi du lịch tới vùng đất này, hãy cùng Dự báo thời tiết tìm hiểu và khám phá sâu hơn về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, và đặc biệt là khí hậu của Thanh Hóa nhé!

Pù Luông, Thanh Hóa

MỤC LỤC
 

Vị trí địa lý của Thanh Hóa

Tỉnh Thanh Hóa nằm ở vùng Bắc Trung Bộ, Việt Nam, ở vị trí trung chuyển giữa các tỉnh phía Bắc và các tỉnh phía Nam nước ta, cách Thủ đô Hà Nội 150 km về phía Nam. Thanh Hóa nằm ở vĩ tuyến 19°18' Bắc đến 20°40' Bắc, kinh tuyến 104°22' Đông đến 106°05' Đông. Phía Bắc của Thanh Hóa giáp 3 tỉnh là Sơn La, Hoà Bình, Ninh Bình; Phía Nam giáp với Nghệ An; Phía Đông giáp với biển Đông và phía Tây giáp với nước CHDCND Lào.

Vị trí địa lý tỉnh Thanh Hóa

Nằm ở vị trí địa lý đặc biệt, Thanh Hóa chịu ảnh hưởng của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, Trung Bộ và các tỉnh Bắc Lào .Đây cũng là một trong những điều kiện thuận  lợi cho Thanh Hóa để phát triển mọi mặt về kinh tế, văn hóa, xã hội. Thanh Hóa có hệ thống giao thông thuận lợi như đường sắt xuyên Việt, đường Hồ Chí Minh, các quốc lộ lớn,… Với đường bờ biển dài hơn 100km, Thanh Hóa phát triển mạnh về cả các hoạt động du lịch, khai thác cảng biển.

Diện tích của tỉnh Thanh Hoá lớn thứ 5 cả nước với 11.129,48 km2 và nhiều vùng sinh thái khác nhau. Tỉnh Thanh Hóa có 27 đơn vị hành chính cấp huyện, bao gồm 2 thành phố, 2 thị xã và 23 huyện.

Đặc điểm khí hậu của Thanh Hóa

Thời tiết Thanh Hóa gần giống với các tỉnh miền Bắc nước ta với 4 mùa rõ rệt là xuân, hạ, thu và đông. Ngoài ra, do sự tác động của nhiều yếu tố như vị trí, quy mô lãnh thổ, hướng núi, độ cao… Thanh Hoá có khí hậu nhiệt đới gió mùa ẩm

  • Mùa hè nóng, mưa nhiều có gió Tây khô nóng, nhiệt độ cao nhất là 41oC
  • Mùa đông lạnh, ít mưa, có sương giá, sương muối, chịu ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc theo xu hướng giảm dần từ biển vào đất liền, từ Bắc xuống Nam. Nhiệt độ có thể hạ thấp xuống dưới 2oC

Lượng mưa ở Thanh Hóa trung bình hàng năm khoảng 1600-2300 mm. Độ ẩm tương đối từ 85% đến 87%, số giờ nắng bình quân khoảng 1600-1800 giờ. Nhiệt độ trung bình hàng năm 23oC - 24oC, phân hóa theo từng tháng và từng vùng khác nhau, nhiệt độ giảm dần khi càng lên vùng núi cao.

Hạn hán xảy ra ở Thanh Hóa

Với lượng mưa lớn, nhiệt độ cao, lượng sáng nhận được lớn, tất cả đã tạo điều kiện thuận lợi cho Thanh Hóa phát triển cả nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp. Tuy nhiên, cũng như các tỉnh vùng núi phía Bắc có mùa đông lạnh, khí hậu vùng núi Thanh Hoá cũng thường xuất hiện các hiện tượng thời tiết cực đoan như sương muối, sương giá vào mùa đông, bão, lụt, áp thấp nhiệt đới về mùa mưa và hạn hán về mùa khô. Ngoài các lý do trên, biến đổi khí hậu cũng khiến khí hậu ở Thanh Hóa thay đổi thất thường, không theo quy luật.

Điều kiện tự nhiên của Thanh Hóa

  • Địa hình

Thanh Hoá có địa hình đa dạng, thấp dần từ Tây sang Đông, chia làm 3 vùng rõ rệt là vùng núi, vùng trung du và vùng ven biển. Nhờ vào sự đa dạng về địa hình, Thanh Hóa phát triển toàn diện các ngành nghề và có tiềm năng lớn.

  • Tài nguyên đất

Thanh Hóa có 14 nhóm đất chính với 28 loại đất khác nhau như Đất Feralit, Đất mùn vàng đỏ trên núi, Đất vàng nhạt trên đá macma axit, Đất nâu đỏ, …

  • Tài nguyên rừng

Diện tích rừng ở Thanh Hoá gần 500.000 ha với trữ lượng khoảng 16,64 triệu m3 gỗ, hàng năm có thể khai thác 50.000 - 60.000 m3.

Với diện tích đất trồng rừng lớn, hệ thực vật và động vật ở Thanh Hóa cũng rất đa dạng, thu hút khách tham quan

  • Tài nguyên biển

Thanh Hoá có 102 km bờ biển và vùng lãnh hải rộng 17.000 km2,  với những bãi cá, bãi tôm có trữ lượng lớn, và cũng là nguồn phát triển du lịch tiềm năng của tỉnh.

  • Tài nguyên khoáng sản

Thanh Hoá là một trong số ít các tỉnh ở Việt Nam có nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú và đa dạng. Thanh Hóa có 296 mỏ và điểm khoáng sản với 42 loại khác nhau, nhiều loại có trữ lượng lớn so với cả nước như: đá granite và marble, đá vôi làm xi măng, sét làm xi măng, crôm, quặng sắt, secpentin, đôlômit, ngoài ra còn có vàng sa khoáng và các loại khoáng sản khác.

Sông Mã, Thanh Hóa

  • Tài nguyên nước

Tài nguyên nước của Thanh Hoá khá phong phú. Tổng trữ lượng nước ngọt bề hàng năm là 19 tỷ mét khối. Ngoài 5 hệ hệ thống sông chính là sông Hoạt, sông Mã, sông Yên, sông Lạch Bạng và sông Chàng, tỉnh còn có một hệ thống các sông và kênh, mương nhân tạo.

Thanh Hóa với diện tích lớn và điều kiện tự nhiên thuận lợi, đang trên đà phát triển mạnh trên mọi lĩnh vực nông lâm ngư nghiệp và cả du lịch. Hy vọng qua bài viết các bạn đã bổ sung cho bản thân những kiến thức bổ ích, cần thiết về vị trí địa lý, đặc điểm khí hậu và điều kiện tự nhiên Thanh Hóa hỗ trợ cho học tập hoặc du lịch tới đây nhé!

Bài viết cùng chủ đề