Khí hậu Lào Cai, vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên tỉnh Lào Cai

Người đăng: My Linh

Lào Cai là một tỉnh miền núi nằm ở phía Bắc nước ta. Với hơn 20 dân tộc sinh sống, Lào Cai trở thành mảnh đất phong phú về cả bản sắc dân tộc, truyền thống lịch sử và di sản văn hóa. Không chỉ có độ phong phú về văn hóa, Lào Cai còn được thiên nhiên ban tặng những điều kiện khí hậu thuận lợi. Vì thế, Lào Cai trở thành một điểm đến rất thu hút khách du lịch. Ngay bây giờ, hãy cùng Dubaothoitiet tìm hiểu những đặc điểm thú vị của khí hậu Lào Cai qua bài viết sau:

MỤC LỤC

 

Vị trí địa lý

Lào Cai là tỉnh vùng cao biên giới, nằm giữa vùng Đông Bắc và vùng Tây Bắc của Việt Nam, cách Hà Nội 296km theo đường sắt và 345km theo đường bộ. Từ ngày 01/01/2004 (sau khi tách huyện Than Uyên sang tỉnh Lai Châu) diện tích tự nhiên: 6.383,88 km2 (chiếm 2,44% diện tích cả nước, là tỉnh có diện tích lớn thứ 19/64 tỉnh, thành phố cả nước).

- Phía Đông giáp tỉnh Hà Giang.

- Phía Nam giáp tỉnh Yên Bái.

- Phía Tây giáp tỉnh Lai Châu.

- Phía Bắc giáp tỉnh Vân Nam - Trung Quốc với 203km đường biên giới.

Hiện nay Tỉnh Lào Cai có 9 đơn vị hành chính cấp Huyện, trong đó có 1 thành phố thuộc tỉnh, 1 thị xã và 7 huyện: thành phố Lào Cai, thị xã SaPa, huyện Bắc Hà, huyện Bảo Thắng, huyện Bảo Yên, huyện Bát Xát, huyện Mường Khương Si Ma Cai và huyện Văn Bàn.

Điều kiện tự nhiên

Địa hình

Địa hình Lào Cai rất phức tạp, phân tầng độ cao lớn, mức độ chia cắt mạnh. Hai dãy núi chính là dãy Hoàng Liên Sơn và dãy Con Voi cùng có hướng Tây Bắc - Đông Nam. Ngoài ra Lào Cai còn rất nhiều núi nhỏ phân bố đa dạng, chia cắt tạo ra những tiểu vùng khí hậu khác nhau.

Do địa hình chia cắt mạnh nên phân đai cao thấp khá rõ ràng, trong đó phổ biến nhất là độ cao từ 300m - 1.000m. Điểm cao nhất là đỉnh Phan Xi Păng của dãy Hoàng Liên Sơn (độ cao 3.143m), Tả Giàng Phình (3.090m).

Phần phía đông huyện Văn Bàn thuộc các đai độ cao thấp hơn (điểm thấp nhất thuộc huyện Bảo Thắng là 80m), địa hình ít hiểm trở hơn, có nhiều vùng đất đồi thoải, thung lũng, là địa điểm thuận lợi phát triển nông lâm nghiệp và xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng.

Tài nguyên đất

Lào Cai có 10 nhóm đất chính được chia thành 30 loại. Trong đó phổ biến một số nhóm đất như:

  • Đất phù sa: Chiếm diện tích nhỏ (khoảng 1,47% diện tích tự nhiên), phân bố chủ yếu dọc sông Hồng và sông Chảy, độ phì nhiêu cao, thích hợp phát triển các loại cây lương thực, cây công nghiệp.
  • Đất đỏ vàng: có nhiều màu như nâu đỏ, đỏ nâu, đỏ vàng hoặc vàng đỏ rực rỡ (chiếm khoảng 40% diện tích tự nhiên). Phân bố rộng khắp trên địa bàn toàn tỉnh ở độ cao dưới 900m. Độ phì nhiêu khá cao, thích hợp phát triển cây công nghiệp dài ngày, cây hàng năm.
  • Đất mùn vàng đỏ: chiếm trên 30% diện tích tự nhiên. Phân bố tập trung tại các huyện SaPa, Mường Khương, Bắc Hà, Bát Xát, Văn Bàn. Thích hợp trồng các loại cây dược liệu quý, cây ăn quả và nhiều loại rau ôn đới quan trọng của tỉnh. 
  • Đất mùn alit trên núi: chiếm 11,42% diện tích tự nhiên. Phân bố tập trung ở huyện SaPa, Văn Bàn... có thảm rừng đầu nguồn khá tốt, thích hợp trồng một số  cây trúc cần câu, đỗ quyên, trúc lùn, rừng hỗn giao.
  • Đất đỏ vàng bị biến đổi: loại đất này bị biến đổi do trồng lúa, đây là các loại đất feralit hoặc mùn feralit ở các sườn và chân sườn ít dốc. Diện tích chiếm khoảng 2% diện tích tự nhiên phân bố rải rác ở các huyện tạo nên những cảnh quan ruộng bậc thang rất đẹp mà tiêu biểu là hai huyện Bắc Hà và Sa Pa.

Tài nguyên khoáng sản

Lào Cai đã phát hiện được 150 mỏ với trên 30 loại khoáng sản, chất lượng thuộc loại quy mô lớn nhất nước phân bố ở các khu vực như: mỏ A Pa Tít Cam Đường với trữ lượng 2,5 tỷ tấn, mỏ sắt Quý Sa trữ lượng 124 triệu tấn, mỏ đồng Sin Quyền trữ lượng 53 triệu tấn, mỏ Molipden Ô Quy Hồ trữ lượng 15,4 nghìn tấn. 

Tài nguyên du lịch

Lào Cai là tỉnh có nguồn tài nguyên du lịch phong phú, thiên nhiên đa dạng, mang những nét đặc trưng độc đáo.

Đỉnh Phanxipang: với độ cao 3143m Phanxipang là điểm cao nhất của nước ta, có dãy núi và khu bảo tồn thiên nhiên Hoàng Liên Sơn hấp dẫn nhiều nhà khoa học, khách du lịch.

Sapa: đây là một trong những điểm thu hút khách du lịch lớn nhất cả nước. SaPa nằm ở độ cao trung bình từ 1.200m - 1.800m, khí hậu mát mẻ quanh năm, có phong cảnh rừng cây, núi đá, thác nước và là nơi hội tụ nhiều hoạt động văn hoá truyền thống của đồng bào các dân tộc như chợ vùng cao, chợ tình Sa Pa,...

Ngoài ra, nhiều địa danh lịch sử, hang động tự nhiên, cửa khẩu Lào Cai - Hà Khẩu cũng là những địa điểm rất thu hút khách du lịch. Đặc biệt, là tỉnh miền núi cao đang trong thời gian phát triển nên không khí ở đây khá trong sạch và thoáng đãng. Nhờ đó, Lào Cai rất thu hút khách du lịch cả trong và ngoài nước.

Đặc điểm khí hậu

Thời tiết Lào Cai thuộc kiểu khí hậu nhiệt đới gió mùa, nhưng do nằm sâu trong lục địa, bị chi phối bởi yếu tố địa hình phức tạp nên diễn biến thời tiết có phần khác biệt hơn. 

Khí hậu Lào Cai chia làm hai mùa là mùa mưa và mùa khô: mùa mưa bắt đầu từ tháng 4 đến tháng 10 còn mùa khô bắt đầu từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau.

Nhiệt độ trung bình nằm ở đây từ 15oC - 20oC (riêng Sapa từ 14oC - 16oC), biên độ nhiệt lớn, trong ngày nhiệt độ có thể lên rất cao hoặc xuống rất thấp.

Lượng mưa trung bình năm từ 1.800mm - 2.000mm. 

Sương mù: Sương mù thường xuất hiện trên toàn tỉnh, có nơi sương mù dày đặc. Trong các đợt rét đậm, ở những vùng núi cao và các thung lũng kín gió còn xuất hiện sương muối, mỗi đợt kéo dài 2 - 3 ngày.

Như vậy qua bài viết trên, Dubaothoitiet đã cung cấp cho bạn những thông tin cần thiết về khí hậu tỉnh Lào Cai. Hãy đến với mảnh đất Lào Cai xinh đẹp này để khám phá, thưởng thức những truyền thống văn hóa và khí hậu đặc biệt của Lào Cai nhé!

Bài viết cùng chủ đề