Khí hậu tỉnh Quảng Trị? Khám phá vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên của Quảng Trị

Người đăng: Nguyễn Kim

Quảng Trị - miền quê của gió Lào cát trắng nằm ở đoạn thắt lại trên chiều dài Bắc - Nam, chính giữa khúc ruột miền Trung đất nước. Hình thế Quảng Trị tựa lưng vào dãy Trường Sơn hùng vĩ, nhìn ra biển Đông bao la và là tỉnh có đầu mối giao thông quan trọng tạo điều kiện rất thuận lợi để mở rộng hợp tác kinh tế trong khu vực. Bài viết hôm nay của Dự báo thời tiết sẽ giúp các bạn khám phá khí hậu, thời tiết tỉnh Quảng Trị. Đồng thời tìm hiểu thêm về vị trí địa lý cũng như điều kiện tự nhiên ở Quảng Trị nhé!

Tỉnh Quảng Trị

MỤC LỤC
 

Vị trí địa lý của tỉnh Quảng Trị

Quảng Trị là một tỉnh tỉnh ven biển thuộc vùng Bắc Trung Bộ Việt Nam với tọa độ địa lý trên đất liền từ 16018 đến 17010 vĩ độ Bắc, 106032 đến 107034 kinh độ Đông. Phía Bắc giáp tỉnh Quảng Bình, phía Nam giáp tỉnh Thừa Thiên Huế, phía Tây giáp biên giới các tỉnh Savannakhet và Salavan của nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, phía Đông giáp biển Đông.

Bản đồ tỉnh Quảng Trị

Trung tâm hành chính của tỉnh là thành phố Đông Hà nằm cách thủ đô Hà Nội 593 km về phía Bắc và cách Thành phố Hồ Chí Minh 1.120 km về phía Nam theo đường Quốc lộ 1A. Nơi đây có sông Bến Hải - cầu Hiền Lương, giới tuyến chia cắt hai miền Nam - Bắc Việt Nam trong suốt 20 năm (1954 - 1975).

Quảng Trị có diện tích 4.760,1 km², hiện bao gồm 1 thành phố (Đông Hà), 1 thị xã (Quảng Trị) và 8 huyện (Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ, Triệu Phong, Hải Lăng, Hướng Hóa, Đakrông, Cồn Cỏ). Tuy với một diện tích không rộng, người không đông nhưng do nằm ở vị trí chiến lược quan trọng nên Quảng Trị đã và đang giữ vai trò trọng yếu trong việc bảo vệ và khai thác biển Đông, giao lưu giữa hai miền Bắc - Nam của đất nước cũng như lưu thông thuận lợi với các nước phía tây bán đảo Đông dương, các nước khác trong khu vực Đông Nam Á và thế giới qua Lao Bảo - hành lang quốc lộ số 9 ra cảng Cửa Việt.

Đặc điểm khí hậu tỉnh Quảng Trị

Quảng Trị nằm ở phía Nam của Bắc Trung Bộ, trọn vẹn trong khu vực nhiệt đới ẩm gió mùa, là vùng chuyển tiếp giữa hai miền khí hậu nên có nền nhiệt độ cao, chế độ ánh sáng và mưa, ẩm dồi dào, tổng tích ôn cao... là những thuận lợi cơ bản cho phát triển các loại cây trồng nông, lâm nghiệp. Tuy nhiên, Quảng Trị được coi là vùng có khí hậu khá khắc nghiệt, thời tiết Quảng Trị chịu ảnh hưởng của gió Tây Nam khô nóng thổi mạnh từ tháng 3 đến tháng 9 thường gây nên hạn hán. Từ tháng 10 đến tháng 2 năm sau chịu ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc kèm theo mưa nên dễ gây nên lũ lụt.

  • Nhiệt độ

Nhiệt độ trung bình năm từ 24-250C ở vùng đồng bằng, 22-230C ở độ cao trên 500m. Mùa lạnh có 3 tháng (12 và 1, 2 năm sau), nhiệt độ xuống thấp, tháng lạnh nhất nhiệt độ xuống dưới 220C ở đồng bằng, dưới 200C ở độ cao trên 500m.

  • Chế độ mưa

Lượng mưa trung bình hàng năm khoảng 2.200-2.500mm; số ngày mưa trong năm dao động từ 154-190 ngày. Chế độ mưa ở Quảng Trị biến động rất mạnh theo các mùa và cả các năm. Trên 70 % lượng mưa tập trung vào các tháng 9, 10, 11. Có năm lượng mưa trong 1 tháng mùa mưa chiếm xấp xỉ 65 % lượng mưa trung bình nhiều năm .

  • Độ ẩm

Quảng Trị có độ ẩm tương đối, trung bình năm khoảng 83-88 %. Giữa hai miền Đông và Tây Trường Sơn chế độ ẩm cũng phân hóa theo thời gian. Tháng có độ ẩm thấp nhất là tháng 4, độ ẩm thấp nhất có khi xuống đến 22 %; trong những tháng mùa mưa, độ ẩm tương đối trung bình thường trên 85 %, có khi lên đến 88-90 %.

  • Nắng

Quảng Trị có số giờ nắng khá cao, trung bình 5-6 giờ/ngày, có sự phân hóa theo thời gian và không gian rõ rệt: miền Đông có tổng số giờ nắng lên tới 1.910 giờ, miền Tây chỉ đạt 1.840 giờ. Các tháng có số giờ nắng cao thường vào tháng 5, 6, 7, 8, đạt trên 200 giờ.

Tỉnh Quảng Trị chịu ảnh hưởng của hai hướng gió chính là gió mùa Tây Nam và gió mùa Đông Bắc. Đặc biệt gió Tây Nam khô nóng ở Quảng Trị là hiện tượng rất điển hình, được đánh giá là dữ dội nhất ở nước ta. Trung bình mỗi năm có khoảng 45 ngày. Trong các đợt gió Tây Nam khô nóng, nhiệt độ có thể lên tới 400C- 420C. Gió Tây Nam khô nóng làm ảnh hưởng không nhỏ tới các hoạt động kinh tế - xã hội, đặc biệt là sản xuất nông nghiệp .

  • Bão

Quảng Trị nằm trong khu vực chịu nhiều ảnh hưởng của bão. Mùa bão thường tập trung vào các tháng 9 và 10. Bão có cường suất gió mạnh kèm theo mưa lớn tạo ra lũ quét ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp và đời sống dân cư.

Thành cổ Quảng Trị chìm trong biển nước do ngập lụt

Điều kiện tự nhiên của tỉnh Quảng Trị

  • Địa hình

Do cấu tạo của dãy Trường Sơn, địa hình Quảng Trị thấp dần từ Tây sang Đông, Đông Nam và chia thành 4 dạng địa hình: địa hình núi cao, địa hình gò đồi-núi thấp, địa hình đồng bằng và địa hình ven biển.

Địa hình của tỉnh Quảng Trị đa dạng, phân hoá thành các tiểu khu vực, nhiều vùng sinh thái khác nhau tạo cho Quảng Trị có thể phát triển toàn diện các ngành kinh tế, đặc biệt là tạo nên các vùng tiểu khí hậu rất thuận lợi cho đa dạng hóa các loại cây trồng vật nuôi trong sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp.

Miền núi Quảng Trị trong sương sớm

  •  Sông ngòi

Quảng Trị có hệ thống sông ngòi khá dày đặc, mật độ trung bình 0,8-1km/km2. Do đặc điểm địa hình bề ngang hẹp, có dãy Trường Sơn núi cao ở phía Tây nên các sông của Quảng Trị có đặc điểm chung là ngắn và dốc. Toàn tỉnh có 12 con sông lớn nhỏ, tạo thành 3 hệ thống sông chính là sông Bến Hải, sông Thạch Hãn và sông Ô Lâu (Mỹ Chánh).

Ngoài ra, ở phía Tây giáp biên giới Việt - Lào có một số sông nhánh chảy theo hướng Tây thuộc hệ thống sông Mê Kông. Các nhánh điển hình là sông Sê Pôn đoạn cửa khẩu Lao Bảo - A Đớt, sông Sê Păng Hiêng đoạn đồn biên phòng Cù Bai, Hướng Lập (Hướng Hóa).

  • Tài nguyên thiên nhiên

Tài nguyên thiên nhiên của tỉnh Quảng Trị khá phong phú và đa dạng, trong đó phải kể đến nguồn tài nguyên dồi dào nhất là tài nguyên khoáng sản. Đặc biệt là khoáng sản làm nguyên liệu sản xuất xi măng và làm vật liệu xây dựng. Đây là điều kiện để tỉnh có thể phát triển mạnh công nghiệp xi măng và vật liệu xây dựng.

Theo tài liệu hiện có, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị có 130 mỏ và điểm khoáng sản, trong đó có 86 điểm, mỏ vật liệu xây dựng và nguyên liệu sản xuất xi măng với các loại chủ yếu như đá vôi, đá sét và các chất phụ gia (như đá bazan, quặng sắt), sét gạch ngói, cát cuội sỏi, cát thủy tinh, cao lanh... Ngoài ra còn có các điểm, mỏ khoáng sản khác như vàng, titan, than bùn...

Bài viết trên đây đã tổng hợp những kiến thức bổ ích về thời tiết, khí hậu, vị trí cũng như điều kiện tự nhiên của tỉnh Quảng Trị. Hy vọng đã giúp bạn đọc chắt lọc được những thông tin cần thiết về tỉnh Quảng Trị - mảnh đất một thời khói lửa nhưng với những lợi thế về vị trí địa lý - kinh tế và tiềm lực kinh tế đã đạt được, ngày nay Quảng Trị càng phát triển, có thể tăng cường mở rộng giao lưu, hợp tác kinh tế trong nước và tăng cường liên kết, hội nhập với các nước trong khu vực và quốc tế.

Bài viết cùng chủ đề