Khám phá khí hậu Tiền Giang, Vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên tỉnh Tiền Giang

Người đăng: Nguyen Kim

Tiền Giang là một tỉnh tại miền Nam Việt Nam, nằm ở trung tâm vùng đồng bằng sông Cửu Long. Tiền Giang với vị trí địa lý thuận lợi và có nhiều đặc điểm về khí hậu, đất đai, sông ngòi, tài nguyên thiên nhiên đáng chú ý. Trong bài viết này, hãy cùng Dubaothoitiet sẽ tìm hiểu về những đặc điểm khí hậu Tiền Giang và những đặc điểm khác về địa hình, kinh tế của tỉnh nhé!

MỤC LỤC
 

Vị trí địa lý của tỉnh Tiền Giang

Tiền Giang là một tỉnh ven biển thuộc miền Nam của Việt Nam và thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long. Tỉnh nằm trải dài trên bờ Bắc sông Tiền với chiều dài trên 120km với tọa độ địa lý 105049'07" đến 106048'06" kinh độ Đông và 10012'20" đến 10035'26" vĩ độ Bắc. 

Tiền Giang nằm giữa 2 thành phố lớn là thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Cần Thơ. Trung tâm thành phố Mỹ Tho - tỉnh lỵ Tiền Giang cách trung tâm thành phố Hồ Chí Minh 70km về hướng Tây Nam và cách trung tâm thành phố cần Thơ 90km về hướng Đông Bắc. Tiền Giang có đường bờ biển dài 32km với địa hình tương đối bằng phẳng.

Về vị trí địa lý, tỉnh Tiền Giang tiếp giáp với các tỉnh sau:

– Phía Bắc và Đông Bắc giáp tỉnh Long An và TP HCM,

– Phía Tây và Tây Nam giáp các tỉnh Đồng Tháp và Vĩnh Long,

– Phía Nam giáp tỉnh Bến Tre,

– Phía Đông giáp biển Đông.

Lãnh thổ Tiền Giang nằm trải dọc theo bờ Bắc của sông Tiền và nằm ngay án ngữ cửa ngõ phía Nam của thành phố Hồ Chí Minh với 3 tuyến quốc lộ giao thông huyết mạch. Ngoài ra, tuyến đường thủy quan trọng từ các tỉnh miền Tây lên thành phố Hồ Chí Minh cũng đi qua kênh Chợ Gạo nằm trên địa bàn tỉnh này. Với vị trí này, Tiền Giang có nhiều lợi thế trong việc mở rộng thị trường tiêu thụ, phát triển sản xuất hàng hoá và giao lưu kinh tế - xã hội với các tỉnh trong vùng và với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Đặc điểm địa hình tỉnh Tiền Giang

Tỉnh Tiền Giang có địa hình bằng phẳng với độ dốc nhỏ hơn 1%, cao từ 0 - 1,6 m so với mặt nước biển, độ cao phổ biến từ 0,8 - 1,1 m. Địa hình được chia thành 5 khu vực như sau:

– Khu vực đất cao ven sông Tiền (đê sông tự nhiên): kéo dài từ xã Tân Hưng (huyện Cái Bè) đến xã Xuân Đông (huyện Chợ Gạo) với độ cao trung bình từ 0,9 - 1,3 m. Riêng khu vực Nam quốc lộ 1A từ Hòa Hưng đến thị trấn Cái Bè cao lên đến 1,6 - 1,8 m.

– Khu vực giới hạn giữa kinh Nguyễn Văn Tiếp và dãy đất cao ven sông Tiền: địa hình có độ cao trung bình từ 0,7 - 1,0 m và có khuynh hướng thấp dần về kinh Nguyễn Văn Tiếp. Trên khu vực này có 2 giồng cát là giồng Cai Lậy và giồng Nhị Quý có độ cao trung bình trên 1,0 m thích hợp với các vườn cây ăn trái. Khu vực nằm giữa hai giồng này là dãy đất cao ven sông Tiền có cao trình thấp hơn nên khó tiêu thoát nước.

– Khu vực trũng phía Bắc Đồng Tháp Mười (bao gồm hầu hết huyện Tân Phước): cao trung bình từ 0,60 - 0,75 m, cá biệt tại xã Tân Lập 1 và Tân Lập 2 có cao trình thấp đến 0,4 - 0,5 m. Đây là khu vực ngập nặng nhất tỉnh vào mùa lũ hằng năm của sông Cửu Long.

– Khu vực giữa quốc lộ 1A và kênh Chợ Gạo: cao trung bình từ 0,7 - 1,0 m, là vùng đồng bằng bằng phẳng nằm kẹp giữa giồng Phú Mỹ, Tân Hương, Tân Hiệp (huyện Châu Thành) ở phía Tây và giồng Bình Phục Nhất, Bình Phan (huyện Chợ Gạo) phía Đông.

– Khu vực Gò Côn: có độ cao thấp dần từ 0,8 - 0,4 m, từ phía Đông kênh Chợ Gạo đến biển Đông với hai vùng trũng cục bộ. Trên địa bàn có nhiều giồng cát biển hình cánh cung nổi lên so với xung quanh do tác động của quá trình bồi lắng phù sa ở cửa sông Soài Rạp và cửa sông Tiền, độ cao phổ biến từ 0,9 - 1,1 m.

Khí hậu Tiền Giang như thế nào?

Tiền Giang nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa với đặc điểm nền nhiệt cao và ổn định quanh năm, ít bão. Khí hậu phân hóa thành 2 mùa rõ rệt: mùa mưa và mùa khô. Mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 11 trùng với mùa gió Tây Nam, mùa khô từ tháng 12 đến tháng 4 trùng với mùa gió Đông Bắc. 

Nhiệt độ trung bình năm là từ 26 đến 28 độ C, chênh lệch giữa các tháng không lớn, rơi vào khoảng 4°C. Lượng mưa trung bình hàng năm từ 1.350 - 1.500 mm/năm, phân bố ít dần từ Bắc xuống Nam, từ Tây sang Đông. Tiền Giang chịu ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam và gió mùa Đông Bắc. Gió mùa Tây Nam mang đặc tính nóng ẩm, gây mưa lớn, chiếm khoảng 90% lượng mưa trong năm của tỉnh. Gió mùa Đông Bắc gây ra hiện tượng khô nóng kéo dài; làm gia tăng tác động của thủy triều, khiến xâm nhập mặn sâu vào nội đồng, gây thiệt hại đê biển, ảnh hưởng xấu đến hoạt động sản xuất.

Bên cạnh đó, do tác động của biến đổi khí hậu, thời tiết Tiền Giang đang chứng kiến nhiều hiện tượng cực đoan, bao gồm mưa lũ và hạn hán.

Điều kiện tự nhiên của tỉnh Tiền Giang

Đất đai

Tiền Giang nằm trong vùng đồng bằng sông Cửu Long, có nhiều đất trồng lúa, cà phê, dừa và các loại cây trồng khác. Tổng quỹ đất tự nhiên của tỉnh là 236.663,24 ha, trong đó có các nhóm đất chính như sau: nhóm đất phù sa chiếm 52,0%, nhóm đất mặn chiếm 14,3%, nhóm đất phèn chiếm 19,0% nhóm đất cát giồng chỉ chiếm 3,0% diện tích tự nhiên. Nhóm đất chiếm phần lớn diện tích là nhóm đất phù sa mang lại nguồn nước ngọt, hình thành vùng lúa năng suất cao và vườn cây ăn trái chuyên canh của tỉnh. 

Sông ngòi

Tiền Giang có mạng lưới sông, rạch chằng chịt, bờ biển dài, tạo điều kiện cho việc giao lưu trao đổi hàng hoá đồng thời là môi trường cho việc nuôi trồng và đánh bắt thủy hải sản. Hệ thống sông ngòi trên địa bàn tỉnh bao gồm hai con sông chính: sông Tiền, sông Vàm Cỏ Đông. Ngoài các con sông chính, mạng lưới sông ngòi của Tiền Giang còn bao gồm nhiều kênh rạch khác. Mạng lưới sông, rạch  đóng vai trò quan trọng trong sản xuất, giao thông và du lịch, cũng như ảnh hưởng đến những đặc điểm khí hậu Tiền Giang.

Rừng

Tính đến ngày 31 tháng 12 năm 2021, Tiền Giang có tổng diện tích đất có rừng 2.426,8 ha với tỷ lệ che phủ rừng là 0,9%. Trong đó tỉnh có 3 thảm thực vật mang tính chất tự nhiên là: rừng ngập mặn ven biển, rừng nước lợ, vùng đất phèn hoang.

Tài nguyên khoáng sản

Tiền Giang là tỉnh có nhiều trữ lượng về khoáng sản như than bùn, sét, trữ lượng cát trên sông và trữ lượng nước ngầm,...Trong đó, các mỏ than bùn bị phủ một lớp sét, mùn thực vật dày 0-0,7 mét, trung bình là 0,3 mét. Mỏ sét Tân Lập có nguồn gốc trầm tích hỗn hợp sông biển, tuổi Holocen, có lớp phủ dày 0,2 - 3 mét, phân bố trên diện tích 2 – 3 km2 với chiều dày 15 - 20m. Trữ lượng tương đương 6 triệu m3. Các mỏ cát được xác định, phân lớp tập trung tại địa bàn các huyện Cái Bè, Cai Lậy, Châu Thành với 9 thân cát có trữ lượng lớn với chiều dài 2 – 17 km, rộng 300 - 800m, dày 2,5-6,9 mét, có chất lượng đáp ứng nhu cầu vật liệu san lấp.

Tiềm năng phát triển kinh tế của Tiền Giang

Tiền Giang với điều kiện tự nhiên sinh thái rất thuận lợi cho phát triển nông nghiệp toàn diện, cơ cấu cây trồng vật nuôi phong phú, đa dạng và có điều kiện sinh trưởng nhanh. Vậy nên Tiền Giang là tỉnh nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đồng thời nằm trong vùng sản xuất lương thực, thực phẩm lớn nhất cả nước.

Tỉnh có nhiều nông sản có giá trị cao như: lúa gạo, trái cây, thủy hải sản....Giá trị sản xuất nông nghiệp năm 2008 của tỉnh đạt 5719 tỷ VNĐ (theo giá so sánh năm 1994 - Tổng cục Thống kê), đứng thứ 4 ở khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long. Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2008 của tỉnh đạt 4.082,6 tỷ VNĐ (theo giá so sánh năm 1994 - Tổng cục Thống Kê), đứng thứ 7 ở khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long. 

Bên cạnh đó, với ưu thế về hệ thống sông và các cửa biển, mạng lưới giao thông thuỷ khá phát triển, sẽ có tác động thúc đẩy sự giao lưu hàng hóa của tỉnh. Mặt khác lại gần đường hàng hải quốc tế, (cách Vũng Tàu 40km), Tiền Giang có lợi thế để trở thành đầu mối khu vực đồng bằng sông Cửu Long về giao lưu vận tải biển với cả nước, nhất là các nước trong khu vực Đông Nam Á.

Ngoài ra, tỉnh còn có tiềm năng phát triển du lịch với lịch sử khai phá lâu đời. Tiền Giang có nhiều lễ hội, di tích lịch sử - văn hoá đặc sắc, tiêu biểu cho lịch sử hình thành và phát triển của vùng đất Nam Bộ. Chỉ riêng về di tích lịch sử - văn hóa, kiến trúc, hiện Tiền Giang có 20 di tích đã được xếp hạng cấp quốc gia. Do đó, việc gắn kết du lịch với văn hoá - quảng bá văn hoá là một tiềm năng của tỉnh.

Trên đây là một số đặc điểm khí hậu Tiền Giang cũng như những điều kiện tự nhiên của tỉnh này. Hãy thường xuyên theo dõi những bài viết khác để cập nhật thông tin mới nhất về thời tiết cũng như các tin tức hữu ích khác về môi trường, thiên nhiên và đời sống nhé!

Bài viết cùng chủ đề