Kiên Giang là tỉnh nằm tận cùng phía Tây Nam của Việt Nam với diện tích lớn nhất vùng Tây Nam Bộ và lớn thứ hai ở Nam Bộ. Vậy Kiên Giang có đặc điểm khí hậu như thế nào, điều kiện tự nhiên ra sao? Hãy cùng Dubaothoitiet tìm hiểu rõ hơn về khí hậu Kiên Giang cũng như các đặc điểm địa hình, kinh tế của tỉnh qua bài viết dưới đây nhé!
Kiên Giang là một tỉnh ven biển nằm ở phía Tây Nam nước ta, thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long. Tỉnh này có đường biên giới chung với Vương quốc Campuchia dài 56 km, đường bờ biển dài trên 200 km với vị trí tiếp giáp:
– Phía Đông và Đông Nam giáp Cần Thơ, An Giang.
– Phía Nam giáp Cà Mau và Bạc Liêu.
– Phía Tây giáp vịnh Thái Lan.
Với diện tích tự nhiên 6346,3 km2, Kiên Giang là tỉnh có diện tích tự nhiên lớn nhất trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Ngoài ra còn có hơn 100 đảo lớn nhỏ ngoài biển, trong đó đảo Phú Quốc rộng 573 km2. Kiên Giang có vị thế là cửa ngõ ở phía tây nam thông ra Vịnh Thái Lan nên có tiềm năng lớn về kinh tế cửa khẩu, hàng hải và mậu dịch quốc tế.
Do nằm ở vĩ độ thấp và giáp biển nên Kiên Giang có khí hậu nhiệt đới gió mùa, nóng ẩm quanh năm. Nhiệt độ trung bình hàng tháng từ 27 – 27,50C, lượng mưa trung bình hàng năm khoảng 1.600 – 2.000 mm ở đất liền và 2.400 – 2.800 mm ở vùng đảo Phú Quốc.
Thời tiết Kiên Giang có hai mùa mưa và khô rõ rệt. Mùa mưa bắt đầu từ tháng 4 đến tháng 11 còn mùa khô từ tháng 12 đến tháng 3 năm sau. Kiên Giang là tỉnh không chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão nhưng lượng nước mưa do bão chiếm một tỷ trọng đáng kể, nhất là vào cuối mùa mưa. Ngoài ra, thời tiết Kiên Giang không rét, ánh sáng và nhiệt lượng dồi dào, ít thiên tai nên rất thuận lợi cho nhiều loại cây trồng và vật nuôi sinh trưởng.
Tỉnh Kiên Giang có đủ các dạng địa hình từ đồng bằng, núi rừng và biển đảo. Trong đó, phần đất liền có địa hình tương đối bằng phẳng, thấp dần từ Đông Bắc xuống Tây Nam. Vùng hải đảo Phú Quốc và Kiên Hải có nhiều núi đá, địa hình khá phức tạp.
Vùng đồng bằng có độ cao từ 0,2 – 1,2 m cùng với chế độ thuỷ triều biển tây chi phối rất lớn khả năng tiêu thoát úng về mùa mưa đồng thời lại bị ảnh hưởng lớn của nước mặn. Nhất là vào các tháng cuối mùa khô, gây trở ngại cho sản xuất và đời sống
Đất đai ở Kiên Giang gồm có 4 vùng chính là vùng phù sa ngọt thuộc tây sông Hậu, vùng phèn ngập lũ thuộc tứ giác Long Xuyên, vùng nhiễm mặn thuộc bán đảo Cà Mau và vùng đồi núi, hải đảo ở hai huyện Phú Quốc và Kiên Hải.
Trong đó, đất nông nghiệp, chiếm 64,2% diện tích tự nhiên, đất rừng chiếm 122,8 nghìn ha, đất chuyên dùng 35,4 nghìn ha, đất ở 10,1 nghìn ha. Ngoài ra tỉnh còn có trên 70 nghìn ha đất hoang hóa chưa sử dụng và đất sản xuất chưa ổn định với hơn 25 nghìn ha vườn tạp. Nhìn chung đất đai ở Kiên Giang phù hợp cho việc phát triển nông lâm nghiệp và nuôi trồng thủy sản.
Kiên Giang có diện tích rừng ít và chủ yếu là rừng phòng hộ. Vậy nên trữ lượng gỗ ở đây không lớn nhưng rừng lại có vai trò quan trọng trong việc phòng hộ và bảo vệ môi trường. Trên địa bàn huyện có rừng đặc dụng ở Phú Quốc, rừng bảo tồn thiên nhiên và di tích lịch sử U Minh, rừng phòng hộ ven biển.
Kiên Giang là tỉnh có tiềm năng khoáng sản tương đối lớn mặc dù đang ở mức thăm dò, nghiên cứu. Tuy nhiên bước đầu đã xác định được 152 điểm quặng và 23 mỏ khoáng sản các loại khác: Nhiên liệu (than bùn), phi kim loại (đá vôi, đá xây dựng, đất sét), nhóm kim loại.
Đặc biệt, Kiên Giang cũng là tỉnh duy nhất ở vùng đồng bằng sông Cửu Long có nguồn đá vôi khá phong phú. Nhóm khoáng sản phi kim loại không những có giá trị về sản xuất vật liệu xây dựng mà còn tạo ra những hang động và những danh lam thắng cảnh có ý nghĩa du lịch. Trữ lượng đá vôi toàn tỉnh hiện có 440 triệu tấn, có khả năng khai thác 342 triệu tấn, trong đó trữ lượng khai thác công nghiệp là 235 triệu tấn, đủ nguyên liệu để sản xuất 4,6 triệu tấn clinker/năm trong suốt 40 năm.
Than bùn, ước tính còn khoảng 150 triệu tấn, phân bổ tập trung ở U Minh Thượng, huyện An Minh, Vĩnh Thuận, Kiên Lương. Ngoài ra tỉnh còn có nhiều loại khoáng sản khác như đất sét để sản xuất xi măng, đất sét làm gạch ngói, gốm sứ,..
Tài nguyên nước mặt của tỉnh Kiên Giang khá dồi dào, với 3 con sông chảy qua: Sông Cái Lớn (60 km), sông Cái Bé (70 km) và sông Giang Thành (27,5 km). Cùng với đó là hệ thống kênh rạch chủ yếu để tiêu nước về mùa lũ và giao thông đi lại, đồng thời có tác dụng tưới nước vào mùa khô.
Tuy nhiên, vào mùa mưa (từ tháng 5 đến tháng 10) phần lớn nước mặt của tỉnh đều bị nhiễm phèn mặn. Nguyên nhân do vị trí ở cuối nguồn nước ngọt của nhánh sông Hậu, nhưng lại ở đầu nguồn nước mặn của vịnh Rạch Giá.
Kiên Giang có 200 km bờ biển với ngư trường khai thác thủy sản rộng 63.000km2. Theo điều tra của Viện nghiên cứu biển Việt Nam thì trữ lượng tôm cá ở đây khoảng 464.660 tấn trong đó vùng ven bờ có độ sâu 20-50 m có trữ lượng chiếm 56% và trữ lượng cá tôm ở tầng nổi chiếm 51,5%, khả năng khai thác cho phép bằng 44% trữ lượng, tức là hàng năm có thể khai thác trên 200.000 tấn. Ngoài ra tỉnh Kiên Giang đã và đang thực hiện dự án đánh bắt xa bờ tại vùng biển Đông Nam bộ có trữ lượng trên 611.000 tấn với sản lượng cho phép khai thác 243.660 tấn chiếm 40% trữ lượng.
Kiên Giang có dân số năm 2008 là 1.727,6 ngàn người với mật độ dân số 272 người/km2. Trong đó dân tộc Kinh chiếm 84,41%, Khmer chiếm 12,23% và Hoa là 2,97%.
Dân số của Kiên Giang phân bố không đều, thường tập trung ở ven trục lộ giao thông, kênh rạch, sông ngòi và một số đảo.
Nền kinh tế Kiên Giang chủ yếu dựa vào nông nghiệp với nghề trồng lúa nước là chính. Đất canh tác không tập trung nhưng phần lớn phân bố ở ven các trung tâm huyện. Trên Quốc lộ 61 có một vùng trồng lúa ven nội ô huyện Giồng Riềng ngoài ra còn có đất canh tác của các gia đình nằm sâu trong những xóm nhỏ. Xen kẽ với việc trồng lúa nước là các loại hoa màu và một số cây có giá trị công nghiệp cao như dừa, khóm...
Ngoài ra, Kiên Giang là tỉnh có nghề đánh bắt hải sản rất phát triển. Với bờ biển dài trên 200 km, có diện tích biển khoảng 63.000 km2, đánh bắt hải sản là một lĩnh vực mà tỉnh có lợi thế hơn hẳn so với nhiều tỉnh khác trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Đặc biệt nước mắm Phú Quốc là một thương hiệu nước mắm nổi tiếng không những trong phạm vi cả nước mà còn trên bình diện quốc tế.
Bài viết trên đây là tất cả những kiến thức về đặc điểm khí hậu Kiên Giang. Cùng với đó là những nội dung về vị trí, địa hình và tài nguyên thiên nhiên của tỉnh. Hy vọng thông qua bài viết trên đây, các bạn có thể hiểu hơn về Kiên Giang và áp dụng học tập tốt hơn nhé!