Đặc điểm khí hậu Nam Định? Vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên của Nam Định

Người đăng: Sophie Nguyen

Nhắc đến Nam Định, người ta nghĩ ngay đến một vùng đất chật người đông, và đặc biệt được biết đến với câu ca “trai học hành, gái canh cửi”. Không chỉ là đất học, Nam Định còn nổi danh với nhiều đặc sản và nhiều địa danh nổi tiếng, các di tích lịch sử tâm linh như Đền Trần thờ Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn, Phủ Dầy thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh. Cùng Dự báo thời tiết ngày hôm nay tìm hiểu nhiều hơn về vị trí địa lý, đặc điểm khí hậu, và điều kiện tự nhiên của tỉnh Nam Định nhé!

Đền Trần thờ Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn, Nam Định

MỤC LỤC
 

Vị trí địa lý tỉnh Nam Định

Nam Định là một tỉnh ở phía Nam đồng bằng Bắc Bộ, Việt Nam (hay còn gọi là đồng bằng Sông Hồng). Nằm ở tọa độ địa lý 19°54′ đến 20°40′ độ vĩ bắc, 105°55′ đến 106°45′ độ kinh đông, Nam Định tiếp giáp với tỉnh Thái Bình ở phía bắc, phía nam giáp với tỉnh Ninh Bình, ở phía tây bắc là tỉnh Hà Nam, và phía đông giáp biển (vịnh Bắc Bộ).

Vị trí địa lý tỉnh Nam Định

Với diện tích cả tỉnh là 1.669 km², tỉnh Nam Định có tổ chức hành chính gồm Thành phố Nam Định và 9 huyện khác. Dân số Nam Định theo số liệu năm 2020 là gần 1 triệu 800 ngàn người và mật độ dân số là 1.067 người/km², chủ yếu là dân tộc Kinh. Tôn giáo chính ở đây là Phật giáo và Thiên chúa giáo

Nằm ở trung tâm vùng Nam Đồng bằng sông Hồng, trong vùng ảnh hưởng của Tam giác tăng trưởng Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh và Vành đai kinh tế vịnh Bắc Bộ, Nam Định có nhiều điều kiện thuận lợi để kết nối với thủ đô Hà Nội, các trung tâm kinh tế và các tỉnh lân cận. Ngoài ra, hệ thống giao thông đa dạng đường bộ, đường sắt và đường thủy của tỉnh Nam Định cũng đã góp phần giúp Nam Định phát triển và giao lưu với các tỉnh khác.

Đặc điểm khí hậu ở tỉnh Nam Định

Cũng như các tỉnh khác cùng nằm trong vùng đồng bằng Sông Hồng, thời tiết Nam Định mang rõ nét đặc trưng của khí hậu nhiệt đới gió mùa nóng ẩm mưa nhiều.

Nhiệt độ trung bình trong năm ở Nam Định dao động từ 23 đến 24°C. Tháng lạnh nhất rơi vào các tháng 12 và tháng 1 trong năm, mức nhiệt trung bình từ 16 đến 17°C. Tháng nóng nhất có nhiệt độ trên 29oC là tháng 7. Ở vùng ven biển vào mùa đông sẽ ấm hơn vùng nội địa

Biểu đồ nhiệt độ và lượng mua tỉnh Nam Định theo từng tháng (Nguồn: Hikersbay.com)

Mùa mưa ở Nam Định kéo dài từ tháng 5 đến tháng 10 với lượng mưa trung bình trong năm từ 1.750 mm đến 1.800 mm. Mùa ít mưa kéo dài từ tháng 11 đến tháng 2 năm sau. Số giờ nắng trong năm từ 1.650 đến 1.700 giờ. Độ ẩm trung bình từ 80 đến 85%. Tốc độ gió trung bình: 2–2,3 m/s

Mùa hạ chống ngập úng, lũ lụt ở Nam Định

Giống như các tỉnh miền Bắc khác, Nam Định có thời tiết 4 mùa xuân - hạ - thu - đông tương đối rõ.

  • Mùa xuân: tháng 3 và tháng 4, thời tiết là ấm, có mưa phùn, không còn lạnh, nhiệt độ trung bình trong khoảng 20 - 25oC, đây cũng là mùa ướt át, ẩm mốc khó chịu.
  • Mùa hạ: dài nhất, kéo dài từ tháng 5 đến tháng 9, thời tiết nóng, mưa nhiều, nhiệt độ trung bình trong khoảng 25- 30oC, lượng mưa tháng tăng vọt từ 150 đến 400 mm, gây ngập úng nếu không tiêu nước tốt. Đây là mùa phù hợp trồng lúa nước và các loại hoa màu khác
  • Mùa thu: tháng 10 và tháng 11, thời tiết mát trở lại, nhiệt độ trung bình lại xuống 25-20oC, lượng mưa tháng 11 đã xuống dưới 100mm, chấm dứt mùa mưa, thời tiết khô hanh, độ ẩm tương đối chuyển sang thời kỳ thấp nhất trong năm. Đây là mùa gặt lúa tốt nhất, phơi thóc, rơm rạ cũng dễ dàng vì ít mưa và nhiều nắng
  • Mùa đông: từ tháng 12 đến tháng 2, nhiệt độ trung bình tháng xuống dưới 20oC, có tháng dưới 18oC, nhiều đợt gió mùa đông bắc mạnh, rét đậm, nhiệt độ có thể xuống dưới 15oC, thậm chí dưới 10oC

Do nằm trong cùng vịnh Bắc Bộ, hàng năm Nam Định thường chịu ảnh hưởng của bão hoặc áp thấp nhiệt đới, bình quân từ 4 – 6 cơn/năm. Các cơn bão và áp thấp nhiệt đới thường tập trung từ tháng 7 đến tháng 10. Thuỷ triều tại vùng biển Nam Định thuộc loại nhật triều, biên độ triều trung bình từ 1,6 – 1,7 m; lớn nhất là 3,31 m và nhỏ nhất là 0,11 m. (Nguồn: Wikipedia)

Điều kiện tự nhiên của tỉnh Nam Định

  • Địa hình

Địa hình Nam Định tương đối bằng phẳng, được chia thành 3 vùng:

- Vùng đồng bằng thấp trũng: có nhiều khả năng thâm canh phát triển nông nghiệp,công nghiệp dệt, công nghiệp chế biến, công nghiệp cơ khí và các ngành nghề truyền thống.

- Vùng đồng bằng ven biển: bờ biển dài 72km, đất đai phì nhiêu, có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế tổng hợp ven biển, một số nơi có bãi cát mịn phục vụ cho ngành du lịch nghỉ mát tắm biển.

Thành phố Nam Định

- Vùng trung tâm công nghiệp – dịch vụ thành phố Nam Định: các ngành công nghiệp dệt may, công nghiệp cơ khí, công nghiệp chế biến, các ngành nghề truyền thống, các phố nghề… cùng với các ngành dịch vụ tổng hợp, dịch vụ chuyên ngành hình thành và phát triển từ lâu. Thành phố Nam Định từng là một trong những trung tâm công nghiệp dệt của cả nước và trung tâm thương mại - dịch vụ, cửa ngõ phía Nam của đồng bằng sông Hồng. Đây cũng là thành phố cổ thứ 2 của Việt Nam sau Hà Nội.

  • Thuỷ văn

Nằm giữa hạ lưu hai con sông lớn của đồng bằng Bắc Bộ là sông Hồng và sông Đáy, kết hợp với chế độ nhật triều, tỉnh Nam Định được bồi tụ tại vùng cửa hai sông tạo nên 2 bãi bồi lớn ven biển là Cồn Lu, Cồn Ngạn (Giao Thuỷ) và vùng Cồn Trời, Cồn Mờ (Nghĩa Hưng).

Không chỉ hai con sông lớn này, tỉnh Nam Định còn có những chi lưu của sông Hồng chảy sang sông Đáy hoặc đổ ra biển, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân canh tác, trồng trọt

  • Động thực vật

Tính đến năm 2000, toàn tỉnh Nam Định có 4.723 ha rừng các loại, chủ yếu là rừng phòng hộ, cây trồng chính là sú, vẹt, phi lao, bần. Hệ thực vật chiếm khoảng 50%, hệ động vật chiếm khoảng 40% loài thực vật, động vật cả nước.

  • Tài nguyên khoáng sản nhiên liệu: Than nâu, dầu mỏ, khí đốt
  • Tài nguyên khoáng sản ở thể rắn: Sét làm gạch ngói, sét làm gốm sứ, fenspat làm phụ gia sản xuất gốm sứ, cát xây dựng hàng năm được bồi lắng tự nhiên, mỏ cát nhỏ ở Quất Lâm (Giao Thuỷ), khoáng sản kim loại (ilmenite, zircon, monazit, phân bố dưới dạng "vết", trữ lượng ít), khoáng sản ở thể lỏng (Nước khoáng)

Nam Định nổi tiếng nhiều đặc sản nổi tiếng như Phở bò Nam Định, Bánh gai Bà Thi, bánh chưng Bà Thìn, kẹo dồi, gạo tám Hải Hậu, Bánh đậu xanh Hanh Tụ, Bánh nhãn Hải Hậu, Kẹo sìu châu Nguyên Hương, Bún chả Thành Nam, Nem nắm Giao Thủy, Nem Chạo Giao Xuân - Giao Thủy. Nếu được một lần đến thăm mảnh đất học này, hy vọng những thông tin về vị trí địa lý, đặc điểm khí hậu, điều kiện tự nhiên của tỉnh Nam Định mà chúng tôi tổng hợp trên đây sẽ có ích với các bạn nhé!

Bài viết cùng chủ đề