Khí hậu tỉnh Cà Mau? Vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên của Cà Mau

Người đăng: Nguyễn Kim

Cà Mau được biết đến là vùng đất tận cùng của Tổ quốc và luôn là điểm du lịch Miền Tây nhất định phải đến một lần trong đời của mọi người dân Việt Nam. Vùng sông nước Cà Mau toát lên một vẻ đẹp nên thơ và trữ tình, bình yên và mộc mạc làm say đắm bao trái tim của du khách. Bài viết hôm nay Dự báo thời tiết sẽ giới thiệu đến các bạn về vị trí địa lý, đặc điểm khí hậu và điều kiện tự nhiên của tỉnh Cà Mau. Hãy cùng theo dõi nhé!

Tỉnh Cà Mau - mảnh đất thiêng liêng cuối miền Tổ quốc

MỤC LỤC
 

Vị trí địa lý của tỉnh Cà Mau

Cà Mau là một tỉnh ven biển cực nam của Việt Nam, thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long và nằm trọn trên bán đảo Cà Mau. Vị trí địa lý nằm ở 8o30’ đến 9o10’ vĩ Bắc và 104o80’ đến 105o5’ kinh Đông, phía bắc giáp tỉnh Kiên Giang, phía đông giáp tỉnh Bạc Liêu và biển Đông, phía nam giáp biển Đông và phía tây giáp vịnh Thái Lan.

Vị trí địa lý của tỉnh Cà Mau

Về mặt hành chính, tỉnh được chia thành 9 đơn vị gồm các huyện Ngọc Hiển, Cái Nước, Đầm Dơi, Trần Văn Thời, Thới Bình, U Minh, Năm Căn, Phú Tân và thành phố tỉnh lỵ Cà Mau cách Thành phố Hồ Chí Minh 370 km, cách thành phố Cần Thơ 180 km về phía nam.

Cà Mau nằm trên bán đảo, có vị trí địa lý khá đặc biệt, với ba mặt tiếp giáp biển với chiều dài bờ biển 254 km và thuộc hành lang kinh tế ven biển phía Đông của vùng biển Tây Nam Bộ (từ Bạc Liêu - Gành Hào - Cà Mau - Năm Căn), là trung tâm vùng biển các nước Đông Nam Á, nhất là trong vùng Vịnh Thái Lan, là những khu vực có trữ lượng dầu khí lớn.

Đặc điểm khí hậu của Cà Mau

Tỉnh Cà Mau mang đặc trưng của khí hậu nhiệt đới gió mùa cận xích đạo, thời tiết Cà Mau có nền nhiệt độ cao vào loại trung bình trong tất cả các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Nét đặc trưng là khí hậu phân mùa rõ rệt chia làm 2 mùa là mùa mưa và mùa khô. Trong đó, mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 1, mùa khô từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau.

Biểu đồ nhiệt độ trung bình ban ngày và ban đêm của tỉnh Cà Mau (nguồn: Worlddata)

Lượng mưa ở Cà Mau trung bình có 165 ngày mưa/năm, với 2.360 mm. Độ ẩm trung bình năm là 85,6%; nhiệt độ trung bình hàng năm là 26,5oC. Trong đó, nhiệt độ trung bình cao nhất trong năm là vào tháng 4, khoảng 27,6oC; nhiệt độ trung bình thấp nhất vào tháng 1, khoảng 25oC. Biển nhiệt độ trung bình trong 1 năm là 2,7oC. Năm 2014, nhiệt độ thấp nhất ở đây đã xuống tới 20oC (tháng 1) (trước đó vào tháng 12 năm 2013 đã xuống còn 18oC). Nhiệt độ cao nhất là 38oC khi đang trong mùa khô vào tháng 4 năm 2016 (nguồn số liệu: Wikipedia).

Về cơ bản, khí hậu Cà Mau ôn hòa, ít khắc nghiệt hơn các vùng khác và không bị ảnh hưởng của lũ và ít có bão.

Điều kiện tự nhiên của tỉnh Cà Mau

  • Địa hình

Cà Mau là vùng đồng bằng có địa hình thấp, bằng phẳng và thường xuyên bị ngập nước. Độ cao bình quân 0,5m đến 1,5m so với mặt nước biển. Hướng địa hình nghiêng dần từ bắc xuống nam, từ đông bắc xuống tây nam.

Địa hình Cà Mau

Địa hình thấp và khá bằng phẳng của Cà Mau đã hình thành nơi đây 3 vùng đất tự nhiên có đặc điểm và tiềm năng kinh tế đặc trưng:

- Vùng trũng phèn Tây Bắc thuận tiện phát triển nông, lâm nghiệp

- Vùng trung tâm bao gồm thành phố Cà Mau và vùng ven các huyện Thới Bình, U Minh, Trần Văn Thời, Cái Nước có độ mặn ít, là vùng lúa - cá đồng, thuận tiện cho các ngành kinh tế công, nông và thương nghiệp phát triển.

- Vùng Nam và Đông Nam đất thấp và bị xâm nhập mặn tuy nhiên do chịu ảnh hưởng mạnh của thủy triều thích hợp với nuôi trồng thủy sản.

  • Mạng lưới sông ngòi

Cà Mau có hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt và đan xen nhau như mạng nhện với tổng chiều dài hơn 7.000km, chiếm 3,02% diện tích tự nhiên, trong đó có nhiều sông lớn, mực nước sâu, dẫn phù sa bồi đắp vào sâu trong đất liền.

Trên địa bàn tỉnh Cà Mau có 8 sông chính chảy qua, đó là các sông Trẹm, Ông Đốc, Bảy Háp, Cái Tàu, Cửa Lớn, Gành Hào, Đầm Cùng, Bạch Ngưu tạo thành các cửa sông lớn. Ngoài khơi Cà Mau còn có cụm đảo Hòn Khoai, Hòn Chuối…

  • Tài nguyên thiên nhiên

Thiên nhiên phú cho Cà Mau giàu tài nguyên về rừng và biển.

Hệ sinh thái rừng ngập nước có diện tích gần 100.000 ha được chia thành 2 vùng: rừng ngập lợ với đặc trưng cây tràm là chủ yếu nằm sâu trong đất liền ở vùng U Minh hạ, ngập mặn với đặc trưng cây đước, cây mắm là chủ yếu ở vùng Mũi Cà Mau và ven biển, trong rừng có nhiều loài động vật, thực vật phong phú với trữ lượng lớn là đặc sản của rừng ngập nước. Rừng Cà Mau trở thành nổi tiếng trên thế giới và chỉ đứng sau rừng ngập mặn Cửa sông Amazon (Brazil).

Rừng ngâp mặn Cà Mau

Bờ biển Cà Mau dài 254 km, vùng biển và thềm lục địa rộng trên 71.000 km², tiếp giáp với vùng biển quốc tế và nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á; có trữ lượng hải sản lớn và giàu tài nguyên khác; thuận lợi cho phát triển kinh tế biển, vận tải biển và du lịch biển. Trong lòng biển có nhiều loài tôm cá, dưới thềm lục địa có trữ lượng dầu khí và khí đốt rất lớn chờ khai thác mà dự án xây dựng khu công nghiệp khí-điện-đạm Khánh An được thi công đang từng bước đánh thức nguồn tài nguyên quý giá này. Biển Cà Mau có vị trí trung tâm đường biển trong vùng Đông Nam Á và sát với đường biển quốc tế, rất thuận lợi cho phát triển kinh tế biển.

Bài viết trên đây đã cung cấp đến các bạn đọc những thông tin về vị trí địa lý, khí hậu và điều kiện tự nhiên của tỉnh Cà Mau. Ngoài ra, bài viết còn cung cấp thêm các thông tin và tiềm năng du lịch của Cà Mau với vị thế là mảnh đất tận cùng của Tổ quốc, nơi chứa đựng biết bao huyền thoại của một thời khai hoang mở cõi vừa bi tráng vừa hào hùng, Cà Mau đã và sẽ là điểm đến ấn tượng đối với nhiều du khách cả trong và ngoài nước.

Bài viết cùng chủ đề