Đặc điểm khí hậu Phú Yên, điều kiện tự nhiên của Phú Yên

Người đăng: My Linh

Phú Yên là tỉnh nằm ở ven biển Nam Trung Bộ, một vùng có bề dày lịch sử - văn hóa, có vị trí rất quan trọng trong tiến trình phát triển của dân tộc Việt Nam. Do địa hình phức tạp nên ảnh hưởng rất lớn tới Đặc điểm khí hậu của Phú Yên. Vậy những đặc điểm đó là gì? Hãy cùng Dubaothoitiet tìm hiểu qua ngay bài viết sau:

MỤC LỤC

 

Vị trí địa lý của Phú Yên

Phú Yên là một tỉnh nằm ở ven biển Nam Trung Bộ, nằm ở tọa độ 12050’ - 13042’ độ Bắc, 108041’ - 109023’ kinh độ Đông, cách thủ đô Hà Nội 1.177k.

Phía Bắc giáp với tỉnh Bình Định 

Phía Nam giáp tỉnh Khánh Hòa

Phía Tây giáp tỉnh Gia Lai và Đắc Lắc 

Phía Đông giáp biển Đông

Diện tích tự nhiên của toàn tỉnh khoảng 5.045,31km2, chiếm 1,53% tổng diện tích tự nhiên cả nước. Các tuyển đường quan trọng qua tỉnh như quốc lộ 1A, 25, đường sắt qua tỉnh dài 120km tuyến Bắc Nam. Phú Yên còn có đường biển dài 189km, đường hàng không có sân bay Đông Tác. 

Hiện tại, tỉnh Phú Yên có 9 đơn vị hành chính cấp huyện bao gồm: Thành phố Tuy Hòa, Thị xã Sông Cầu, Thị xã Đông Hòa và các huyện: Đồng Xuân, Sông Hinh, Sơn Hòa, Phú Hòa, Tây Hòa, Tuy An. Với 110 đơn vị hành chính cấp xã, bao gồm 21 phường, 6 thị trấn và 83 xã.

Đặc điểm tự nhiên của Phú Yên

Địa hình

Diện tích của tỉnh Phú Yên chủ yếu là đồi núi, chiếm 70% diện tích toàn tỉnh.Địa hình dốc mạnh từ Tây sang Đông, dải đồng bằng hẹp và bị chia cắt mạnh, có hai đường cắt lớn từ dãy Trường Sơn là cánh đèo Cù Mông và cánh đèo Cả. Bờ biển dài 200km có nhiều dãy núi nhô ra biển hình thành các eo vịnh, đầm phá có lợi thế phát triển du lịch, vận tải đường thủy, đánh bắt và nuôi trồng hải sản xuất khẩu.

Địa hình Phú Yên có thể chia thành 2 khu vực lớn:

- Vùng núi và bán sơn địa (phía Tây là sườn đông của dãy Trường Sơn Nam): gồm các vùng huyện Sơn Hòa, Sông Hinh, Đồng Xuân và phần phía Tây các huyện Sông Cầu, Tuy An, Tây Hòa, Đông Hòa. Đây là vùng núi non trùng điệp, song không cao lắm, có đỉnh Vọng Phu cao nhất (2.064m).

- Vùng đồng bằng: gồm các vùng thành phố Tuy Hòa, các huyện Tuy An, Sông Cầu, Tây Hòa, Đông Hòa với những cánh đồng lúa lớn của tỉnh.

Tài nguyên thiên nhiên

Tài nguyên đất

Chất lượng đất đai của tỉnh Phú Yên được phân ra thành 8 nhóm đất chính phù hợp với nhiều loại cây trồng (theo phương pháp phân loại của FAO):

  • Đất cát và cồn cát biển (ký hiệu là C): diện tích 13.660 ha chiếm 2,71%, phân bố dọc bờ biển từ đèo Cù Mông đến Đèo Cả. Trên loại đất này có thể trồng dừa, điều, rừng phòng hộ 

  • Đất mặn phèn (M): Diện tích 7.130 ha chiếm 1,41%, phân bố ở những khu đồng bằng thấp ven biển thuộc các huyện Sông Cầu, Tuy An, Tuy Hòa. Đây là nhóm ít mang lại hiệu quả kinh tế. Đất được hình thành bởi quá trình lắng đọng các sản phẩm trầm tích sông, biển, chịu ảnh hưởng bởi nước biển và các sản phẩm biển.

  • Đất phù sa (P): Diện tích 51.550 ha chiếm 10,22%, phân bố dọc ven sông Ba, đặc biệt chiếm chủ yếu ở khu vực hạ lưu sông Ba và sông Kỳ Lộ. Loại đất này thích hợp với cây lúa nước và nhiều loại hoa màu.

  • Đất Xám trên đá Granit (Xa): Diện tích 36.100 ha chiếm 7,16%, phân bố ở các huyện Sơn Hòa, Đồng Xuân, phía Tây thị xã Tuy Hòa. Đây là vùng mía chuyên canh. Loại đất này rất thích hợp cho sự phát triển cây cao su, mía, thuốc lá, điều.

  • Đất đen (R): Diện tích 18.050 ha chiếm 3,58%, phân bố ở phía nam huyện Tuy An, phía đông Sơn Hòa. Loại đất này có khả năng trồng các loại cây công nghiệp ngắn ngày.

  • Đất đỏ vàng: Có hai loại đất đỏ vàng chủ yếu là đất nâu vàng trên đá Bazan và Đất vàng đỏ trên đá Macma axit thích hợp cho sự phát triển trồng các cây công nghiệp dài ngày

  • Đất mùn vàng đỏ trên núi (Ha): Diện tích 11.300 ha chiếm 2,24 phân bố ở độ cao 900-1000m thuộc các vùng núi cao ở huyện Sơn Hòa, Sông Hinh.

  • Đất thung lũng dốc tụ (D): Diện tích 1.550 ha chiếm 0,31%, loại đất này phân bố rải rác ở địa hình tương đối thấp trũng, ven các hợp thủy thành từng đám nhỏ. Có thể khai thác loại đất này để trồng lúa hoặc một số cây hoa màu khác.

Tài nguyên nước

Bên cạnh nguồn tài nguyên đất, Phú Yên là tỉnh có nguồn tài nguyên nước khá dồi dào và có chất lượng cao. Hệ thống Sông Ba, sông Bàn Thạch, sông Kỳ Lộ, Sông Cầu... với tổng diện tích 4.886 km2, đảm bảo đủ nước tưới cho nông nghiệp. 

Tài nguyên rừng

Diện tích đất có rừng là 165.915 ha, trong đó rừng tự nhiên chiếm 142.688 ha với trữ lượng gỗ 14 triệu m3, rừng trồng chiếm 23.224ha, đất chưa sử dụng dự kiến trồng rừng nguyên liệu giấy trên 65 nghìn ha. Rừng của tỉnh Phú Yên có nhiều loại gỗ và lâm sản quý hiếm. Ngoài ra còn có Khu bảo tồn thiên nhiên Quốc gia Krông-Trai rộng 20.190 ha với hệ động vật và thực vật phong phú đa dạng.

Tài nguyên khoáng sản

Tài nguyên khoáng sản của Phú Yên rất đa dạng và phong phú như đá Granite màu, diatomite, bauxite, fluori, nước khoáng, than bùn, vàng sa khoáng. Cho đến nay trên địa bàn tỉnh đã phát hiện, đăng ký được 149 mỏ và điểm quặng, trong đó có những loại có tiềm năng lớn và có giá trị kinh tế cao, đặc biệt có loại có loại chiếm vị trí hàng đầu của cả nước.

Nổi bật hơn là các khoáng sản kim loại. Quặng sắt, vàng là một trong những khoáng sản có ý nghĩa quan trọng của tỉnh Phú Yên, đã được phát hiện và đăng ký tại 49 điểm quặng, phân bố chủ yếu ở vùng Bắc và Tây Tuy Hoà. Các trường quặng quan trọng như Sông Hinh, Sơn Phước, Trảng Sim và Sơn Nguyên phân bố trên diện tích rộng hơn 2000km2, thuộc các huyện Sông Hinh, Sơn Hoà và phía Tây thị xã Sơn Hoà.

Các loại khoáng sản có trữ lượng nhỏ: thiếc, titan, nhôm, than nâu,...

Điều kiện khí hậu của Phú Yên

Thời tiết Phú Yên thuộc miền khí hậu nhiệt đới gió mùa. Trong năm có hai đới gió chính Đông Bắc và Tây Nam. Do địa hình có xu hướng thấp dần từ phía Tây sang phía Đông nên khí hậu có sự sai khác giữa hai vùng, bao gồm vùng đồng bằng và vùng cao. So với vùng cao, vùng đồng bằng có nhiệt độ trung bình, tổng lượng mưa năm và tổng số giờ nắng năm cao hơn với mức chênh lệch lần lượt là 0,8oC; 162,4mm và 208 giờ trong khi tổng lượng bốc hơi năm thấp hơn với mức chênh lệch 307,4 mm

Nhiệt độ không khí trên địa bàn tỉnh thường đạt cực tiểu vào tháng 1 hoặc tháng 2 rồi tăng dần và thường đạt cực đại vào tháng 5 hoặc tháng 6, sau đó giảm dần qua tháng 1 hoặc tháng 2 năm tiếp theo.

Lượng mưa có 2 cực đại thường rơi vào tháng 5 (mưa Tiểu Mãn) và tháng 10 hoặc tháng 11 (hai tháng lũ chính vụ). Lượng mưa phân bố không đều trong năm và được phân định thành 2 mùa. Mùa khô kéo dài từ tháng 1 đến hết tháng 8. Mùa mưa kéo dài từ tháng 9 đến hết tháng 12 với lượng mưa chiếm 52 - 86 % tổng lượng mưa năm. So với vùng cao, vùng đồng bằng có lượng mưa tháng cao hơn.

Hy vọng qua bài viết, Dubaothoitiet đã giúp bạn có thêm những kiến thức mới về mảnh đất Phú Yên xinh đẹp này. Hiểu thêm về một vùng đất của đất nước là hiểu thêm một phần của đất nước. Hãy theo dõi Dubaothoitiet để biết thêm nhiều điều mới và hấp dẫn nhé!

 

Bài viết cùng chủ đề