Đặc điểm khí hậu Bến Tre? Vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên tỉnh Bến Tre

Người đăng: Sophie Nguyen

Là một trong 13 tỉnh châu thổ vùng Đồng bằng sông Cửu Long, tỉnh Bến Tre được mệnh danh là "Xứ sở dừa Việt Nam" mang đặc trưng của sông nước miệt vườn Nam Bộ được hợp thành bởi ba dãy cù lao: cù lao Minh, cù lao Bảo và cù lao An Hóa. Từ thời Chiến tranh Việt Nam, tỉnh Bến Tre đã được coi là "quê hương của Phong trào Đồng khởi" với nhiều cuộc đồng khởi diễn ra lưu danh sử sách. Trong bài viết ngày hôm nay, Dự báo thời tiết sẽ cùng các bạn tìm hiểu về vị trí địa lý, đặc điểm khí hậu và điều kiện tự nhiên của Bến Tre nhé!

Thành phố Bến Tre, tỉnh Bến Tre

MỤC LỤC
 

Vị trí địa lý của Bến Tre

Bến Tre là tỉnh thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long, Việt Nam. Toàn tỉnh có diện tích tự nhiên là 2.360 km2, được hợp thành bởi cù lao An Hóa, cù lao Bảo, cù lao Minh và do phù sa của 4 nhánh sông Cửu Long bồi tụ thành (sông Tiền, sông Ba Lai, sông Hàm Luông, sông Cổ Chiên).

Cách thành phố Hồ Chí Minh 86 km, Bến Tre nằm ở tọa độ địa lý với điểm cực bắc là vĩ độ 9o48' bắc, điểm cực nam nằm trên vĩ độ 10o20' bắc, điểm cực đông nằm trên kinh độ 106o48' đông, điểm cực tây nằm trên kinh độ 105o57' đông. Phía Bắc của tỉnh là Tiền Giang, phía tây – tây nam giáp Vĩnh Long, phía nam giáp Trà Vinh, và phía đông giáp với Biển Đông

Vị trí địa lý tỉnh Bến Tre

Bến Tre có dân số hơn 1 triệu 300 ngàn người, trong đó chủ yếu là dân tộc Kinh. Ngoài ra toàn tỉnh có đến 12 tôn giáo khác nhau, phần lớn là Phật giáo, đạo Cao Đài, Công giáo, Tin lành, Phật giáo Hòa Hảo và một số tôn giáo khác.

Tỉnh Bến Tre hiện có 9 đơn vị hành chính cấp huyện, bao gồm 1 thành phố và 8 huyện. 

Đặc điểm khí hậu của Bến Tre

Tỉnh Bến Tre nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa cận xích đạo, với hai mùa rõ rệt là mùa mưa và mùa khô:

  • Mùa mưa: kéo dài từ tháng 5 đến tháng 11
  • Mùa khô: kéo dài từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau

Nằm ngoài ảnh hưởng của gió mùa cực đới nên thời tiết Bến Tre có nhiệt độ khá cao, ít biến đổi trong năm. Nhiệt độ trung bình hàng năm dao động từ 26oC – 27oC, không có tháng nào dưới 20oC

Lượng mưa trung bình hàng năm dao động từ 2.000 đến 2.300 mm, tập trung vào mùa mưa, mùa khô chỉ chiếm 2-6 % tổng lượng mưa cả năm. Vào mùa khô, tình trạng thiếu nước diễn ra trầm trọng gây ảnh hưởng tới cây trồng, đặc biệt là hiện tượng xâm nhập mặn xảy ra những năm gần đây.

Thiệt hại do xâm nhập mặn diễn ra tại Bến Tre và các tỉnh Đồng Bằng Sông Cửu Long

Tiếp giáp với biển Đông ở phía đông nhưng Bến Tre ít chịu ảnh hưởng của bão, vì nằm ngoài vĩ độ thấp (bão thường xảy ra từ vĩ độ 150 bắc trở lên). Ngoài ra, nhờ có gió đất liền, nên biên độ dao động ngày đêm giữa các khu vực bị giảm bớt.

Hai loại gió hoạt động chủ yếu ở Bến Tre là gió mùa đông bắc vào mùa khô và gió mùa tây nam vào mùa mưa. Mùa gió đông bắc là thời kỳ khô hạn, mùa gió tây nam là thời kỳ mưa ẩm.

Nhờ vào lượng ánh sáng dồi dào và độ ẩm thuận lợi cho sự quang hợp và phát dục của cây trồng, vật nuôi, tỉnh Bến Tre thích hợp với nhiều loại cây trồng. Tuy nhiên, « xứ dừa » cũng gặp những khó khăn do thời tiết nóng ẩm nên thường có nạn sâu bệnh, dịch bệnh, và nấm mốc phát sinh, phát triển quanh năm.

Điều kiện tự nhiên của Bến Tre

Tỉnh Bến Tre có hình rẻ quạt, đầu nhọn nằm ở thượng nguồn, với các hệ thống kênh rạch chằng chịt. Địa hình của tỉnh khá bằng phẳng, không có rừng cây lớn, chủ yếu là rừng chồi và rừng ngập mặn ven biển và cửa sông. Với hệ thống kênh rạch chằng chịt đan vào nhau chở nặng phù sa chảy khắp ba dải cù lao là một lợi thế của Bến Tre trong phát triển giao thông thủy, hệ thống thủy lợi, phát triển kinh tế biển, kinh tế vườn, trao đổi hàng hoá với các tỉnh lân cận.

  • Tài nguyên đất

Nhờ vào hệ thống sông ngòi chằng chịt, lượng phù sa chảy vào tỉnh Bến Tre tạo nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển nông nghiệp và thuỷ sản. Ngoài ra hệ thống giao thông tạo điều kiện giúp cho những tiềm năng kinh tế - văn hoá - xã hội của Bến Tre được khơi dậy và phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là đường thủy.

  • Tài nguyên nước

Tỉnh Bến Tre có 4 con sông lớn chảy qua, đó là các sông Mỹ Tho, Ba Lai, Hàm Luông và Cổ Chiên. Những con sông này chuyên chở phù sa từ phía thượng nguồn, bồi tụ nên vùng Nam Bộ phì nhiêu, trong đó có đất Bến Tre. Chúng giữ một vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế, văn hoá của nhân dân trong tỉnh khi vừa cung cấp nước ngọt cho sinh hoạt và cho nông nghiệp, vừa mang đến nguồn thủy sản dồi dào, đồng thời góp phần làm tươi đẹp cảnh quan, điều hoà khí hậu của một vùng đất cù lao ba bề sông nước. Những con sông này còn đóng một vị trí quan trọng trong hệ thống giao thông thủy, không chỉ của tỉnh mà cả miền đồng bằng rộng lớn, tạo điều kiện phát triển giao thương giữa các tỉnh

Vẻ đẹp rặng dừa Bến Tre

Ngoài bốn con sông chính trên, Bến Tre còn có một mạng lưới sông, rạch, kênh đào chằng chịt nối liền nhau, tạo thành một mạng lưới giao thông và thủy lợi rất thuận tiện.

  • Tài nguyên động vật – thực vật

Nhờ vào các nguồn tài nguyên đất phù sa, hệ thống sông và kênh rạch chằng chịt, hệ động thực vật ở Bến Tre rất đa dạng. Ở Bến Tre có nhiều loại thủy sản như cá vược, cá dứa, cá bạc má, cá thiều, cá mối, cá cơm, nghêu, cua biển và tôm he. Rừng nước mặn chạy dọc theo bờ biển, mang lại cây dừa nước, chà là, bần. Ruộng muối ở Thạnh Phú, Bình Đại, Ba Tri cũng là nguồn lợi khả quan.

Đến với tỉnh Bến Tre là du khách đang đến với xứ dừa thơ mộng trữ tình miền tây Việt Nam. Những rặng dừa trải dài ven biển sẽ giúp du khách thư giãn sau những bộn bề lo toan cuộc sống. Những kiến thức tổng hợp về vị trí địa lý, đặc điểm khí hậu và điều kiện tự nhiên của tỉnh Bến Tre mà chúng tôi giới thiệu phía trên hy vọng sẽ giúp ích được cho bạn đọc!

Bài viết cùng chủ đề