Với đường bờ biển dài hơn 3.260km, vùng lãnh hải và đặc quyền kinh tế khoảng 1 triệu km2 với hơn 4.000 đảo lớn nhỏ trải dài từ Bắc vào Nam. Việt Nam có đủ các điều kiện để phát triển và xây dựng các ngư trường lớn. Vậy nước ta có mấy ngư trường lớn trọng điểm? Đặc điểm của các ngư trường đó như thế nào? Hãy cùng Dubaothoitiet tìm hiểu ngay qua bài viết sau:
MỤC LỤC
Ngư trường là vùng biển có các quần thể cá hoặc các loại hải sản khác như tôm, ốc, cua,... tập trung tương đối ổn định, thuận lợi cho việc tiến hành khai thác. Các quần thể động vật tại ngư trường thường được nuôi trồng và khai thác theo từng mùa vụ, với chu kỳ dài ngắn khác nhau tùy thuộc các yếu tố sinh thái tự nhiên.
Ngư trường là nơi diễn ra các hoạt động khai thác nguồn lợi sinh vật biển, được hình thành do sự kết hợp giữa các yếu tố vật chất của hoạt động sản xuất với các yếu tố động của hệ sinh thái tự nhiên. Các ngư trường thường được gọi tên theo địa danh gần chúng nhất, thường là tên các đảo hoặc cửa sông
Việt Nam có 63 tỉnh thành, trong đó có 28 tỉnh giáp biển. Dọc bờ biển là những đầm phá, đó là những khu vực thuận lợi để hình thành ngư trường nuôi trồng thủy hải sản. Ngoài ra, với nhiều quần đảo, vũng, vịnh cũng có điều kiện thuận lợi để phát triển các ngành ngư nghiệp.
Nước ta có 4 ngư trường lớn trọng điểm: ngư trường Cà Mau - Kiên Giang, ngư trường Ninh Thuận – Bình Thuận – Bà Rịa – Vũng Tàu, ngư trường Hải Phòng – Quảng Ninh và ngư trường quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa.
Thị trường hoạt động của ngành thủy sản gần đây trở nên sôi động. Gần một nửa số tỉnh của nước ta giáp biển, hoạt động khai thác và nuôi trồng thủy sản đang được đẩy mạnh. Nghề cá ở các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ và Nam Bộ phát triển mạnh.
Sản lượng khai thác hải sản tăng khá nhanh, chủ yếu do tăng số lượng tàu thuyền và tăng công suất tàu. Các tỉnh dẫn đầu về sản lượng khai thác là Kiên Giang, Cà Mau, Bà Rịa – Vũng Tàu và Bình Thuận.
Tuy nhiên, việc phát triển ngành thủy sản gặp không ít khó khăn. Nghề thủy sản đòi hỏi vốn rất lớn, trong khi phần lớn ngư dân còn nghèo. Vì vậy, quy mô ngành thủy sản còn nhỏ. Ở nhiều vùng ven biển, môi trường bị suy thoái và nguồn lợi thủy sản bị suy giảm khá mạnh
Ngư trường Cà Mau - Kiên Giang hay còn gọi là ngư trường vịnh Thái Lan. Ngư trường Cà Mau- Kiên Giang là ngư trường số 1 nước ta do khu vực này có các dòng hải lưu mang theo nhiều sinh vật phù du kéo theo đó là nguồn hải sản. Đồng thời, khu vực này cũng có thềm lục địa nông, nhiều cửa sông và bãi triều thuận lợi cho việc đánh bắt hải sản.
Là một trong 4 ngư trường trọng điểm của nước ta. Ngư trường Ninh Thuận - Bình Thuận - Bà Rịa - Vũng Tàu có nguồn lợi hải sản phong phú. Diện tích các bãi bồi, bãi triều ven sông và cận bờ biển có thể nuôi tôm bán thâm canh. Đảo Phú Quý có thể nuôi cá lồng bè và các loại hải sản khác
Ngư trường Hải Phòng - Quảng Ninh thuộc khu vực Vịnh Bắc Bộ có sự đa dạng về địa hình, chất đáy. Có nhiều hệ sinh thái đặc trưng của vùng biển nhiệt đới, đây là điều kiện thuận lợi cho các giống loài thủy sản sinh trưởng và phát triển.
Ngư trường quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa thuộc vùng Duyên hải Nam Trung Bộ. Không chỉ chiếm vị trí quan trọng ngư trường quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa còn là những ngư trường truyền thống quan trọng của Việt Nam. Ngư dân Việt Nam bao đời nay đánh bắt trên các ngư trường này bởi những tài liệu chính sử còn lại đến nay chứng minh người Việt Nam đã có chủ quyền lịch sử từ rất lâu đời trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, hoàn toàn phù hợp với tập quán cũng như luật pháp quốc tế.
Với nguồn lợi thủy sản đa dạng, phong phú, hai ngư trường Hoàng Sa và Trường Sa đã góp phần đưa thủy sản trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước
Hy vọng qua bài viết vừa rồi, Dubaothoitiet đã cung cấp được cho bạn những thông tin cần thiết về đặc điểm của 4 ngư trường trọng điểm của nước ta: ngư trường Cà Mau - Kiên Giang, ngư trường Ninh Thuận – Bình Thuận – Bà Rịa – Vũng Tàu, ngư trường Hải Phòng – Quảng Ninh và ngư trường quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa.