Tiết Kinh Trập là gì? Tiết Kinh Trập 2023 diễn ra vào thời gian nào?

Người đăng: My Linh

Nông nghiệp vẫn đang là ngành kinh tế phổ biến nhất ở nước ta. Trồng trọt và cấy lúa là công việc của rất nhiều lao động Việt Nam. Vì là trồng trọt thủ công nên mùa màng có bội thu hay không còn phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết và các tiết khí. Tiết Kinh Trập chính là một tiết khí rất quan trọng đối với người nông dân. Vậy hãy cùng Dubaothoitiet tìm hiểu Tiết Kinh Trập qua bài viết ngay sau đây:

MỤC LỤC

 

Tiết Kinh Trập là gì?

Tiết Kinh Trập là một tiết nằm trong 24 tiết khí của các lịch ở Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản và Việt Nam. Cụ thể là tiết khí thứ 3 trong năm, thường diễn ra vào khoảng ngày 5 hay 6 tháng 3 dương lịch. 

Theo nghĩa Hán văn thì “kinh” nghĩa là kinh động, chấn động, thức tỉnh, sợ hãi. “Trập” nghĩa là các loài sâu bọ, côn trùng. Vì vậy, tiết Kinh Trập được hiểu là tiếng sấm mùa xuân khiến các loài sâu bọ giật mình, bừng tỉnh. Trước đó, các loài côn trùng còn đang ngủ đông, không ăn uống, khi tiết Kinh Trập đến như một báo hiệu kết thúc quá trình ngủ đông dài để chuyển tới mùa sinh sôi nảy nở. Một số nơi còn gọi tiết Kinh Trập là tiết sâu nở.

Tiết Kinh Trập 2023 diễn ra vào thời gian nào?

Sau tiết thứ 2 là tiết Vũ Thủy, nhiệt độ, ánh sáng và tất cả điều kiện tự nhiên đều thay đổi, tạo điều kiện cho các loài thực vật đâm chồi nảy lộc, cây cối xanh tốt và ra hoa. Chính vì thực vật sinh sôi nên tạo điều kiện cho các loài côn trùng, sâu bọ thức dậy và phát triển sinh sôi. Khi những trận mưa xuống kèm theo tiếng sấm mùa xuân báo hiệu cho các loài thức dậy và hoạt động.

Trong năm 2023, Tiết Kinh Trập từ ngày chủ nhật, 05/03/2023 (14/02 âm lịch) năm Quý Mão và kết thúc vào ngày thứ hai, 20/03/2023 (29/02 âm lịch) năm Quý Mão.

Đặc điểm tiết Kinh Trập

Sấm xuân là điềm báo đáng chú ý nhất trong tiết Kinh Trập. Khoa học khí tượng hiện đại cho thấy vào tiết Kinh Trập, Trái đất trở nên ẩm ướt và không khí nóng gần bề mặt bốc lên. Trong khi đó, không khí nóng ẩm từ phía bắc hoạt động mạnh và tạo ra gió thường xuyên. Theo đó vì lý do này mà sấm sét thường xảy ra trong tiết Kinh Trập.

Thời điểm tiết Kinh Trập được coi là cực kỳ quan trọng đối với nhà nông và đây cũng chính là lúc được coi là thời điểm bắt đầu bận rộn nhất cho mùa vụ mới. Dịp này, mọi người hay mặc quần áo, phục sức màu đỏ, màu tím để khai vận, cầu may.

Ăn lê trong tiết Kinh Trập là một phong tục vẫn được người dân thực hành rộng rãi ở Trung Quốc ngày nay. Khi thời tiết trở nên ấm hơn và bầu không khí trở nên khô, mọi người có xu hướng cảm thấy miệng lưỡi bị khô, có thể gây cảm lạnh hoặc ho. Do trái lê có vị ngọt, mọng nước và có tính hàn làm ẩm phổi sẽ giảm ho.

Ý nghĩa của tiết Kinh Trập 

Nước ta đang trên đà hội nhập công nghiệp hóa và hiện đại hóa nhưng nền kinh tế chính vẫn là nông nghiệp. Cách trồng trọt và cấy lúa vẫn theo cách thủ công nên thời tiết và tiết khí là nhân tố rất quan trọng. Kể từ tiết Kinh Trập, người nông dân sẽ kết thúc những ngày nông nhàn và bắt đầu vụ xuân. Khi tiếng sấm cùng với cơn mưa xuân bắt đầu, khí hậu dần ấm áp, người dân đi vào vụ xuân cùng với đó là các loại côn trùng, sâu bệnh phát triển. Những lá cây mùa màng chính là nguồn thức ăn dồi dào của chúng, đồng ruộng cỏ dại cũng lần lượt nảy mầm nên nông gia bận rộn. Thời gian này cũng rất cần phòng bệnh cho gia súc, gia cầm.

Khi côn trùng trở lại không có ý nghĩa chỉ toàn là mặt hại. Một số loại cây trồng, đặc biệt là các loại cây ăn quả đang trong giai đoạn ra hoa và cần nhờ đến các loại côn trùng để quá trình thụ phấn diễn ra nhanh chóng hơn.

Cũng trong tiết này, truyền thống có tục tế Bạch Hổ và đánh tiểu nhân. Bạch Hổ chủ thị phi, võ mồm hại người, nên làm lễ tế dâng thịt lợn để Bạch Hổ không đi lung tung. Đánh tiểu nhân thực chất là tiêu diệt những loài côn trùng nhỏ gây hại, nhưng sau phát triển thành tục đánh đuổi kẻ xấu, cầu phúc cầu an để có một năm mỹ mãn như ý.

Mong rằng qua bài viết vừa rồi đã giúp mọi người có thêm hiểu biết về tiết thứ 3 trong 24 tiết khí - tiết Kinh Trập. Qua đó có thêm những kiến thức về những dịp lễ tết, tiết khí của dân tộc.

Bài viết cùng chủ đề