Khám phá khí hậu Hậu Giang? Vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên - xã hội tỉnh Hậu Giang

Người đăng: Nguyen Kim

Hậu Giang là tỉnh nằm ở phần cuối Đồng bằng châu thổ sông Cửu Long mang những nét đặc trưng của sông nước miệt vườn miền Tây. Nơi đây hấp dẫn du khách bởi vẻ hoang sơ mộc mạc, bình dị với ruộng lúa bát ngát, từng con kênh rạch nặng tình phù sa. Cùng Dự Báo Thời Tiết khám phá những đặc điểm về khí hậu Hậu Giang nổi bật không thể bỏ qua trong bài viết sau đây. 

MỤC LỤC
 

Vị trí địa lý tỉnh Hậu Giang

Hậu Giang là một tỉnh thuộc đồng bằng sông Cửu Long và cách thành phố Hồ Chí Minh 240 km về phía Tây Nam. Hậu Giang nằm ở tọa độ địa lý từ 9030'35'' đến 10019'17'' vĩ độ Bắc và từ 105014'03'' đến 106017'57'' kinh độ Đông. Hậu Giang có diện tích tự nhiên là 1601,1 km2, chiếm khoảng 4% diện tích vùng đồng bằng sông Cửu Long và chiếm khoảng 0,4% tổng diện tích tự nhiên nước Việt Nam.

Địa giới hành chính tỉnh Hậu Giang tiếp giáp với các khu vực: 

– Phía đông giáp tỉnh Sóc Trăng.

– Phía tây giáp tỉnh Kiên Giang.

– Phía nam giáp tỉnh Bạc Liêu.

– Phía bắc giáp thành phố Cần Thơ và tỉnh Vĩnh Long.

Đặc điểm địa hình tỉnh Hậu Giang

Địa hình Hậu Giang mang đặc trưng chung của các tỉnh thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long là khá bằng phẳng. Địa hình có độ cao thấp dần từ Bắc xuống Nam và từ Đông sang Tây và có thể chia làm 3 vùng như sau:

– Vùng triều: là vùng tiếp giáp sông Hậu về hướng Tây Bắc. Diện tích khoảng 19.200 ha, phát triển mạnh về kinh tế vườn và kinh tế công nghiệp, dịch vụ.

– Vùng úng triều: tiếp giáp với vùng triều.Diện tích khoảng 16.800 ha, phát triển mạnh cây lúa có tiềm năng công nghiệp và dịch vụ.

– Vùng úng: nằm sâu trong nội đồng. Phát triển nông nghiệp đa dạng (lúa, mía, khóm…). Có khả năng phát triển mạnh về công nghiệp, dịch vụ…

Nhìn chung, địa hình Hậu Giang có dạng lòng chảo, vùng ven sông rạch và các tuyến lộ giao thông thường cao và thấp dần về xa. Khu vực ven sông khá thuận lợi cho việc tưới tiêu tự chảy nhờ triều trong các tháng mùa khô, khu vực xa sông việc tưới tiêu có khó khăn hơn.

Đặc điểm khí hậu Hậu Giang

Tỉnh Hậu Giang nằm trong vòng đai nội chí tuyến Bắc bán cầu, gần xích đạo nên có khí hậu nhiệt đới gió mùa với hai mùa rõ rệt. Mùa mưa có gió mùa Tây Nam từ tháng 5 đến tháng 11, mùa khô có gió mùa Đông Bắc từ tháng 12 đến tháng 4 hàng năm.

Nhiệt độ

Nhiệt độ trung bình của tỉnh là 270C không có sự trên lệch quá lớn qua các năm. Tháng có nhiệt độ cao nhất là tháng 4 với 350C và thấp nhất vào tháng 12 với 20,30C. 

Lượng mưa

Mùa mưa tại Hậu Giang diễn ra từ tháng 5 đến tháng 11 hàng năm, chiếm từ 92 - 97% lượng mưa cả năm. Lượng mưa ở Hậu Giang thuộc loại trung bình, khoảng 1800 mm/năm, lượng mưa cao nhất vào khoảng tháng 9 (250,1mm). 

Độ ẩm

Ẩm độ tương đối trung bình trong năm phân hoá theo mùa một cách rõ rệt, chênh lệch độ ẩm trung bình giữa tháng ẩm nhất và tháng ít ẩm nhất khoảng 11%. Độ ẩm trung bình thấp nhất vào khoảng tháng 3 và 4 (77%) và giá trị độ ẩm trung bình trong năm là 82%.

Khu vực tỉnh Hậu Giang không chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão nhưng lượng nước mưa do bão chiếm một tỷ trọng đáng kể, nhất là vào cuối mùa mưa. Điều kiện thời tiết Hậu Giang có những thuận lợi cơ bản mà các tỉnh khác ở vùng ĐBSCL không có được như: ít thiên tai, không rét, không có bão đổ bộ trực tiếp, ánh sáng và nhiệt lượng dồi dào, nên rất thuận lợi phát triển cây trồng và vật nuôi.

Điều kiện về kinh tế - xã hội tỉnh Hậu Giang

Dân số

Hậu Giang có dân số năm 2023 là 947.126, trong đó dân số sống tại thành thị chiếm 28%, dân số sống tại nông thôn chiếm 72% dân số. 

Hậu Giang có nhiều dân tộc khác nhau cư trú trên địa bàn tỉnh, trong đó nhiều nhất là đồng bào dân tộc Khmer với 5.537 hộ, 25.536 khẩu, đồng bào Hoa 1.977 hộ với 9.530 khẩu, các dân tộc Chăm, Ê Đê, Mường có 58 hộ với 202 khẩu. Người dân Hậu Giang chủ yếu theo Phật giáo, tiếp theo là Công giáo, đạo Cao Đài, đạo Tin Lành,..

Kinh tế

Nông nghiệp

Người dân Hậu Giang sống dựa vào nông nghiệp và phi nông nghiệp chủ yếu là trồng trọt, chăn nuôi. Với đất đai phì nhiêu, có thế mạnh về cây lúa, mảnh đất này từ xa xưa vùng đất này đã là một trong những trung tâm lúa gạo của miền Tây Nam Bộ.

Hậu Giang còn có nguồn thủy sản khá phong phú, chủ yếu tôm cá nước ngọt (hơn 5.000 ha ao đầm nuôi tôm cá nước ngọt) và chăn nuôi gia súc. Đặc biệt, là khu vực ven Sông Mái Dầm (Phú Hữu - Châu Thành) có đặc sản cá Ngát rất nổi tiếng.

Tuy nhiên, cùng với các tỉnh ở đồng bằng sông Cửu Long, Hậu Giang cũng phải chịu tác động và bị ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu, nhất là do hiện tượng mực nước biển dâng. Trong đó, ngành sản xuất nông nghiệp là đối tượng bị ảnh hưởng sớm và nặng nề nhất.

Công nghiệp

Cụm công nghiệp Nam Sông Hậu với nhà máy đóng tàu VinaShin mới vừa khởi công xây dựng, nhà máy Giấy lớn nhất Việt Nam đang được xây dựng. Ngoài ra, ngành công nghiệp gạch ngói ở Châu Thành nổi tiếng khắp nước, các mặt hàng gốm sứ bình dân cũng phát triển mạnh. Ngành thủ công, mỹ nghệ với hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu với nguyên liệu là lục bình cũng đang phát triển mạnh, xuất khẩu ra nhiều nước trên thế giới và là những mặt hàng lưu niệm rất quý ở một số hãng dịch vụ du lịch của đồng bằng.

Thương mại, dịch vụ  

Thương mại - dịch vụ và khách sạn nhà hàng tỉnh Hậu Giang phát triển tập trung chủ yếu ở thị xã, thị trấn và các huyện. Với một siêu thị, một trung tâm thương mại cùng một số nhà hàng, khách sạn và các dịch vụ ăn uống giải khát.

Bài viết trên đây, chúng ta đã cùng nhau khám phá khí hậu Hậu Giang và những đặc điểm kinh tế - xã hội nơi đây. Nếu đã nắm được thời tiết Hậu Giang thì hãy lên lịch đến đây để chiêm ngưỡng trọn vẹn vẻ đẹp của miền Tây sông nước ruộng đồng tươi đẹp.

Bài viết cùng chủ đề